Myanmar ký sự: Những chuyện nhặt

Nhiều bốt canh, boong ke trên đường phố vắng.
Nhiều bốt canh, boong ke trên đường phố vắng.
TP - Những ngày rong ruổi trên các ngả đường của đất nước Myanmar, tôi cảm nhận rất rõ, người dân xứ sở này vừa đang hào hứng trong hơi thở ngày mới do chính quyền dân chủ đem lại, vừa nỗ lực để vượt qua di sản bóng đêm của chính quyền quân sự trước đó. Trên 57 triệu dân của quốc gia vốn trải qua nhiều thập niên đóng cửa với thế giới bên ngoài đang viết tiếp trang sử của mình.

Buổi sáng cuối mùa mưa từ thành phố Mawlamyine (thủ phủ bang Mawlamyine), chúng tôi theo con đường nhựa hai làn xe để đến Hpa-An (thủ phủ bang Kayin). Những hàng cây thốt nốt cổ thụ và nhiều loại cây khác bên đường tỏa bóng mát, tạo nên khung cảnh yên bình.

Đi được chưa đầy hai chục ki-lô-mét, gặp cây cầu dây văng vắt qua một con sông khá lớn. “Con sông là ranh giới bang Mawlamyine và bang Kayin, và cây cầu này được xây dựng từ thời thuộc Anh”- anh tài xế giải thích. Hai đầu cầu đều có boongke, trạm gác và cả hàng rào dã chiến. Không riêng cây cầu này, ở nhiều cây cầu khác nơi chúng tôi từng đi qua đều có những boongke, trạm gác nhưng không phải lúc nào cũng có người.

Dấu tích của chính quyền quân sự

Khi xe vừa qua khỏi đầu cầu phía bang Kayin, một người đàn ông trung niên mặc áo thun, quần Tây từ trong bot bước ra ra hiệu xe dừng lại để “làm luật”. Anh phụ xe mở cửa, đưa ra ba tờ mệnh giá 1.000 Kyat, tiền Myanmar (1USD = 1.300 Kyat). Lúc xe chưa kịp đóng cửa thì một thanh niên đầu đội mũ lưỡi trai rằn ri, loại thường dùng của quân đội, áo thun tối màu và thân dưới quấn longyi (váy truyền thống của người Myanmar) màu xanh từ trong trạm gác cạnh đó, cách trạm đầu chỉ khoảng 10m, nhào ra. Tài xế lúc đầu định nhấn ga phóng đi, nhưng sau đó rà phanh cho xe dừng lại. Người phụ xe đưa một tờ 1.000 Kyat. Người dẫn đường, một người Myanmar có tên tiếng Anh là John, giải thích trạm đầu là của Chính phủ, thu tiền vào mục đích công. Trạm kế bên là…vô chính phủ.

Theo lời John, trước đây, ngoài quân đội liên bang, các bang còn có quân đội riêng. Trong đó, bang Kayin có lực lượng quân đội thuộc loại hùng hậu và có truyền thống chống lại quân đội liên bang. Từ khi chính quyền dân sự điều hành đất nước, rất nhiều quân nhân thuộc chính quyền quân sự trước đây nay thất nghiệp nhưng họ vẫn còn thế lực. Trạm gác thứ hai là do các cựu binh sĩ quân đội bang dựng lên để làm tiền bất hợp pháp nhưng không ai làm gì được họ. “Anh không bị bắt buộc phải đưa tiền cho họ và cũng không bị bắt buộc phải đưa bao nhiêu. Nhưng nếu không đưa hoặc đưa không “hợp lý”, lập tức xe anh sẽ bị làm khó ở đoạn đường tiếp theo bởi những “đồng đội” của họ”- John nói. Cũng theo John, chính quyền mới biết điều này nhưng chưa muốn can thiệp vì đang phải tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Với 25% số ghế trong Thượng viện và Hạ viện, lực lượng quân đội còn nhiều ảnh hưởng trong chính quyền dân sự và dấu ấn của quân đội hiện diện khắp các ngả đường, kể cả ở đô thị. Khi đến Bayin Nyi, thay vì đi tiếp, chúng tôi buộc phải dừng chân và quay đầu xe trước một trạm gác dã chiến do quân đội chốt chặn trên đường mà không rõ lý do. Theo giải thích của John, đây là khu vực có nhiều bất ổn. Hai bên có nhiều sĩ quan, binh lính với những sắc phục khác nhau. Tôi giương máy ảnh định chụp một binh sĩ quấn quanh người đầy đạn dược và tay lăm súng từ trong trạm gác tiến ra ngoài hàng rào dã chiến đặt giữa đường, nhưng lập tức bị người dẫn đường ngăn lại với lời cảnh báo: “Danger!” (Nguy hiểm).

Giao dịch ngầm

Những giao dịch ngầm, đút lót, tiêu cực đang diễn ra ở đất nước này. John kể, bình thường người dân đến các cơ quan công quyền làm thủ tục giấy tờ, phải mất từ 1 đến 5 tháng mới có kết quả. Nhưng nếu chi tiền ra, có thể một ngày, thậm chí một giờ là xong việc.

Myanmar ký sự: Những chuyện nhặt ảnh 1

Chính phủ dân chủ của Myanmar đã quan tâm đến giáo dục nhiều hơn.

Báo chí Myanmar có thống kê mỗi tháng chỉ khoảng chừng mười vụ tai nạn giao thông, trong khi thực tế các vụ tai nạn xảy ra rất cao. Lý do cảnh sát tìm cách kiếm tiền bù vào khoản lương thấp. Khi có tai nạn xảy ra, cảnh sát đến gặp chủ hoặc người điều khiển xe gây tai nạn đề nghị họ tự thỏa thuận với nhau, xong rồi cả hai đều phải chi tiền cho viên cảnh sát trực tiếp xử lý vụ việc. Nếu không, sẽ bị lập biên bản và đưa ra tòa, chưa biết ai thắng thua nhưng sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Cho nên, hằng tháng cảnh sát chỉ thống kê một số vụ chiếu lệ, số còn lại họ tự xử để kiếm tiền riêng.

Lương giáo viên ở Myanmar trung bình chỉ khoảng 40 USD/tháng, rất thấp. “Học sinh muốn được “cho qua”, cha mẹ chúng phải bồi dưỡng, lót tay cho giáo viên” - John nói. Theo những kênh thông tin khác mà chúng tôi có được, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông rất ít người muốn theo nghề giáo nên rất thiếu giáo viên. Dưới thời chính quyền quân sự, giáo dục không được chú trọng. Các trường đại học, dạy nghề đều bị dời từ thủ đô hay thành phố lớn tới những vùng xa xôi hẻo lánh, vừa nhằm hạn chế giới trí thức tiếp thu những tiến bộ xã hội, vừa hạn chế sinh viên, thanh niên trí thức tập hợp làm những điều mà chính quyền không mong muốn.

Nhưng bây giờ đã khác, giáo dục của Myanmar đang thời kỳ trỗi dậy. Từ khi thực hiện chính sách mở cửa, đặc biệt từ năm 2015, khi Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi lên nắm chính quyền đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ, chăm lo đến lương bổng, đời sống của giáo viên nên nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 muốn thi vào các trường sư phạm. Học sinh từ lớp 1 trở lên được miễn phí hoàn toàn. Chính sách xã hội hóa giáo dục được áp dụng thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các cơ sở giáo dục phát triển khá nhanh ở các thành phố. Riêng tại cố đô Yangon và khu vực xung quanh, hiện có đến 38 trường đại học, trung học chuyên nghiệp. 

Gió đổi chiều

Sự trì trệ và thiếu việc làm dưới thời chính quyền quân sự khiến người dân tìm cách bỏ ra nước ngoài sinh sống, khiến dân số Myanmar hiện nay giảm gần chục triệu người so với khoảng vài chục năm trước. Năm 2006, tôi có dịp đến thăm làng cá Mahachai bên bờ sông Thajin thuộc tỉnh Samut Sakhon của Thái Lan, cách biên giới Myanmar 200 km. Toàn bộ lao động phục vụ cho làng cá, từ ngư dân đánh bắt ngoài khơi đến các lao công trong chợ cá đều là người di cư tự do từ các quốc gia láng giềng. Cô Maw Maw Zaw, một người Myanmar và là thành viên của một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ  lao động nhập cư tại Thái Lan có tên gọi Raks Thai Foundation cho biết, có 2.700 lao động di cư làm việc tại làng cá, trong đó 85% là người Myanmar, một số ít còn lại đến từ Lào và Campuchia. Phần lớn trong số họ ở độ tuổi từ 20 đến 25.

Myanmar ký sự: Những chuyện nhặt ảnh 2

Một thanh niên được cho là cựu binh sĩ của chính quyền quân sự trước đây thu tiền mãi lộ

Hang, một thanh niên 27 tuổi người Myanmar, là phu khuân vác cá cho biết, mỗi ngày anh làm việc từ sáng đến tối nhưng thu nhập chỉ 2.000-2.500 Baht/tháng. Trong khi đó, riêng tiền ăn đã mất 50 Baht/ngày. Để có việc làm, mỗi lao động phải trả chi phí môi giới từ 5.000 - 6.000 Baht (1 Baht = 700 đồng Việt Nam). Theo chân Maw Maw Zaw, chúng tôi đến thăm nơi ở của những lao động nhập cư tại làng Krok Krak, huyện Muans, cách chợ cá không xa. Những dãy nhà liền kề hoặc riêng biệt của các lao động nhập cư đều rất tạm bợ, nhếch nhác và thiếu thốn mọi thứ. “Ở đây họ có cơ hội tìm việc làm, đảm bảo cuộc sống gia đình hơn ở quê hương nên dù cực khổ họ cố gắng bám lại làng cá”- Maw Maw Zaw nói.

Ngày ấy, nhiều trí thức trẻ cũng tìm cách thoát khỏi chính quyền quân sự. Lanau Roi Aung, cô gái ở Mayitkyina, miền Bắc Myanmar là một trong số đó. Tôi gặp cô ở Bangkok và được cô cho biết, sau khi học hết phổ thông, cô sang Chiangmai (Thái Lan) học đại học rồi ở lại nơi này.

Trong những ngày qua, trên các trang báo, kênh truyền hình Myanmar tràn ngập thông tin chuyến viếng thăm của Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi đến Nhật Bản. Trong cuộc gặp gỡ với những người Myanmar đang sinh sống tại đất nước Mặt trời mọc, bà Suu kêu gọi kiều dân Myanmar không chỉ ở Nhật Bản mà cả các nơi trên thế giới chung tay xây dựng đất nước. Bà động viên họ đem tài lực, trí tuệ, công nghệ trở về, giúp đỡ người dân trong nước cùng phát triển và tiến bộ.   

           __________________

 (Còn nữa)

Trao đổi với Tiền Phong, Đại sứ Luận Thùy Dương - Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar nói: “Myanmar đang chứng kiến nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Đời sống của người dân được cải thiện nhanh chóng và rõ rệt. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar trải rộng khắp các lĩnh vực, từ tài chính đến khách sạn, chế biến thực phẩm, công nghệ tri thức, du lịch… Những thay đổi này thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ mới, tuy non trẻ nhưng năng động - cố gắng thúc đẩy đoàn kết dân tộc và thực hiện cải cách từ chính sách đến cơ chế, từ hạ tầng đến thượng tầng. Chính phủ Myanmar cũng bước đầu có được thành công trong việc thực hiện một chính sách đối ngoại tạo dựng hình ảnh đất nước Myanmar. Trên bản đồ, Myanmar giống như một ngọn lửa và đất nước này thực sự đang tràn đầy năng lượng”.

MỚI - NÓNG