Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trên trực thăng thị sát tàu sân bay đi qua biển Đông ngày 5/11. Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trên trực thăng thị sát tàu sân bay đi qua biển Đông ngày 5/11. Ảnh: Getty Images
TP - Ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Singapore lặp lại luận điệu các đảo ở biển Đông là “của Trung Quốc từ thời cổ đại”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục thực thi tự do hàng hải ở biển Đông, Reuters đưa tin.

Phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng ở thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở bang California hôm 7/11, Bộ trưởng Carter bày tỏ lo ngại đối với hoạt động bồi đắp trên biển Đông. Ông nói: “Mỹ cùng các nước khác trong khu vực đang quan ngại sâu sắc về quy mô và tiến độ bồi đắp trên biển Đông… Trung Quốc bồi đắp, cải tạo đảo nhiều hơn tất cả các nước khác trong toàn bộ lịch sử khu vực”.

Bộ trưởng Carter đồng thời cảnh báo về viễn cảnh quá trình quân sự hóa tiếp tục diễn ra, cũng như khả năng các hoạt động này sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc dẫn đến xung đột tại khu vực. Trước đó, ngày 5/11, ông Carter lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang hoạt động trên biển Đông và thẳng thừng chỉ trích hành động phi pháp của Trung Quốc (bồi đắp bãi đá, xây đảo nhân tạo) gây căng thẳng tại khu vực.

Ông Carter tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. Ông cho rằng, sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc buộc quân đội Mỹ phải thực thi những chiến lược của mình. “Chúng tôi đã làm việc đó (tuần tra trên biển) từ lâu trên khắp thế giới và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Carter tuyên bố. Ngày 7/11 tại Singapore, ông Tập Cận Bình tuyên bố, chưa có vấn đề gì về hàng hải và hàng không trên biển Đông; “các nước không phải ở châu Á nên hiểu và tôn trọng điều này và nên có những đóng góp tích cực hơn”.

Ông Carter nói: “Ý đồ của Trung Quốc như thế nào sẽ là thử thách thật sự đối với các cam kết của họ đối với hòa bình và an ninh. Đó là lý do tại sao các quốc gia trong khu vực đang quan sát các hành động của Trung Quốc tại khu vực như lĩnh vực hàng hải và tấn công mạng”. Bộ trưởng Carter nêu rõ, Mỹ “lo ngại sâu sắc” về hoạt động cải tạo đảo và viễn cảnh quân sự hóa mạnh hơn khu vực biển Đông, điều có thể dẫn tới những tính toán sai lầm hoặc xung đột. Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Mỹ đang phản ứng trước động thái của Trung Quốc bằng việc đem những khí tài “tốt và mới nhất” đến châu Á - Thái Bình Dương.

“Về mặt chất lượng, chúng ta đang có những đầu tư lớn vào những năng lực quan trọng tại đây: chiến tranh chống ngầm, tác chiến điện tử, không gian, chiến tranh mạng, hệ thống phòng thủ tên lửa và hơn thế nữa”, ông nói. Ông Carter cũng kêu gọi phát triển các chiến lược và vũ khí nhằm đối phó Trung Quốc và Nga, theo báo Mỹ Stars & Tripes.

EU lên tiếng

Tình hình căng thẳng trên biển Đông gần đây đã khiến Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/11 phải lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và “giải quyết tranh chấp chủ quyền trong ôn hòa”. Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại (EU), bà Federica Mogherini, tuyên bố: “Chúng tôi phản đối mọi ý đồ bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ bằng dọa dẫm, cưỡng chế, bạo lực hay mọi hành động đơn phương khác có thể dẫn đến các va chạm”.

Bà Mogherini nhấn mạnh: “Châu Âu ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc tôn trọng luật quốc tế”, đồng thời nêu rõ “các ngoại trưởng châu Á và châu Âu đã có những thảo luận cởi mở và ở chừng mực nào đó mang tính xây dựng về chủ đề này”. EU cho rằng, dù xa cách về địa lý, nhưng châu Âu cũng có những “lợi ích cần được đề cập đến trong cuộc tranh cãi này, vì lý do liên thông và lệ thuộc lẫn nhau, như trong lĩnh vực thương mại và kinh tế”. Do đó, châu Âu khuyến khích “các bên giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp đó”.

MỚI - NÓNG