MSDF nói rằng, cuộc diễn tập không liên quan việc tàu khu trục Mỹ USS Lassen ngày 27/10 tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi và đá Vành Khăn, hai trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng phi pháp, biến thành đảo nhân tạo.
Cuộc diễn tập bắt đầu ngày 28/10 với sự tham gia của tàu khu trục Fuyuzuki của MSDF và nhóm tàu chiến Mỹ, dẫn đầu là USS Theodore Roosevelt. Trước đó, hải quân Mỹ và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung Malabar 2015 với Ấn Độ, sau đó thăm Singapore trong 4 ngày, từ 24/10.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne thông báo, hai tàu chiến Úc sẽ tổ chức tập trận với hải quân Trung Quốc trên biển Đông vào tuần tới, Reuters đưa tin. Trước khi tập trận, các tàu HMAS Stuart và HMAS Arunta sẽ thăm căn cứ chính có tên Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. “Hải quân Hoàng gia Úc có lịch sử lâu đời trong việc gắn kết với hải quân khu vực, thường xuyên diễn tập và thăm các nước, trong đó có Trung Quốc”, bà Payne tuyên bố.
Theo truyền thông Úc, cuộc tập trận này có thể bao gồm 5 đợt diễn tập bắn đạn thật. Là một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực, Úc bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với tự do hàng hải, song nói rằng sẽ không đưa tàu tuần tra vào biển Đông.
Kể từ khi Trung Quốc xây đảo trái phép ở biển Đông từ tháng 12/2013, Bắc Kinh đã ồ ạt bồi lấp hơn 1.170ha, theo báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 6/2015. Trung Quốc đã bồi lấp diện tích lớn gấp 17 lần so với tất cả các nước tuyên bố chủ quyền khác gộp lại trong vòng 40 năm qua.
Cả giới lãnh đạo dân sự và quân sự Philippines đều nhiệt liệt hoan nghênh việc tàu chiến Mỹ tuần tra. Tokyo cũng ngay lập tức lên tiếng ủng hộ mặc dù vẫn có những ý kiến hoài nghi tại Nhật Bản về những gì sắp tới. “Tôi nghĩ nhiều người nghiêm túc cảm thấy yên tâm khi thấy Mỹ thực hiện những gì đã tuyên bố, không giống như tại Syria”, cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản Kunihiko Miyake nói. Tuy nhiên, chưa có đồng minh nào của Mỹ tại châu Á tuần tra thực thi tự do hàng hải qua các đảo Trung Quốc.