Mỹ - Triều Tiên và những nỗ lực hàn gắn bất thành

Hai miền Triều Tiên bị ngăn cách ở vĩ tuyến 38. Ảnh: History.com.
Hai miền Triều Tiên bị ngăn cách ở vĩ tuyến 38. Ảnh: History.com.
TPO - Trên thế giới có rất ít mối quan hệ song phương nào trắc trở dai dẳng hơn quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Trong mấy chục năm sau cuộc chiến khốc liệt trên Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Washington tham gia rất nhiều cuộc đàm phán có lúc tưởng chừng sắp đến mức bình thường hóa quan hệ.

Trong khi duy trì quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, chính sách của Mỹ với Triều Tiên luôn nhấn mạnh vào việc ngăn ngừa xung đột xảy ra trên Bán đảo, ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, và gần đây là tìm cách cải thiện hồ sơ nhân quyền của Triều Tiên.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng luôn muốn lực lượng Mỹ phải rời khỏi Hàn Quốc, được thừa nhận là quốc gia hạt nhân, được hỗ trợ lương thực và nhiên liệu, dỡ bỏ cấm vận và hoàn tất hiệp định hòa bình.

Hai bên từng có kênh trao đổi thông tin qua phái đoàn của Triều Tiên tại Liên Hợp quốc (LHQ) ở New York, nhưng vẫn chưa có cuộc tiếp xúc ngoại giao chính thức nào giữa hai nước kể từ tháng 4/2012, sau khi thỏa thuận về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sụp đổ.

Tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là hệ quả của hàng loạt cuộc đàm phán song phương và đa phương dù có kết quả nhưng quá trình triển khai thất bại.

Bài 1: Từ chia cắt đến Chiến tranh Lạnh

Năm 1945, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi từ vĩ tuyến 38 sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Liên Xô chiếm phần phía bắc bán đảo, còn Mỹ chiếm phần phía nam.

Sau nỗ lực hòa giải hai chính phủ thù địch chịu ảnh hưởng của hai cường quốc thất bại, chính phủ ở miền nam lập ra nước Hàn Quốc (Republic of Korea – ROK) vào tháng 8/1948.

Trong tháng sau đó, chính phủ miền bắc tuyên bố thành lập CHDCND Triều Tiên. Cả hai đều không thừa nhận nhau và đều thể hiện nguyện vọng thống nhất bán đảo để áp dụng hiến pháp của mình.

Sau nhiều năm xung đột ở khu vực biên giới, Triều Tiên đưa quân xuống tấn công Hàn Quốc, gây ra một cuộc xung đột toàn diện vào ngày 25/6/1950.

Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, quân LHQ vào cuộc và đẩy lùi quân Triều Tiên về vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, cuộc phản công do chí nguyện quân Trung Quốc đảo ngược đà chiến thắng của quân LHQ, đẩy họ lui xuống phía nam qua vĩ tuyên 38. Năm 1953, Bộ chỉ huy LHQ, quân đội Hàn Quốc và chí nguyện quân Trung Quốc đồng ý đình chiến.

Không lâu sau khi hiệp định đình chiến được ký, Mỹ và Hàn Quốc hoàn tất Hiệp ước tương trợ quân sự để Mỹ duy trì lực lượng hiện diện ở Hàn Quốc nhằm đề phòng Triều Tiên tấn công.

Từ năm 1958, Mỹ bí mật đưa vũ khí hạt nhân chiến lược đến Hàn Quốc, nhưng cuối cùng lại rút ra vào năm 1991. Năm 1976, quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu thực hiện hai đợt tập trận quy mô lớn thường niên mang tên “Tinh thần đồng đội” và “Thấu kính hội tụ Ulchi” mà Triều Tiên vẫn  lên án.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ rất ít liên lạc với Triều Tiên, dù quân đội hai bên có một số trao đổi hạn chế ở Khu vực an ninh chung ở làng Bàn Môn Điếm.

Mỹ áp đặt cấm vận toàn diện đối với các loại hàng xuất khẩu sang Triều Tiên sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra và hạn chế nghiêm ngặt bất kỳ hoạt động kinh tế nào liên quan đến Triều Tiên cho đến khi các biện pháp cấm vận được nới lỏng đôi chút trong những năm 1990.

Năm 1988, sau vụ đánh bom chuyến bay số hiệu 858 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines mà Mỹ và đồng minh cáo buộc do các đặc vụ Triều Tiên thực hiện, Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Triều Tiên được đưa khỏi danh sách này năm 2008.

Những hành động của Triều Tiên trong giai đoạn này khiến tình hình trên bán đảo nhiều lần căng thẳng. Giữa những năm 1960, hàng loạt vụ xung đột biên giới nổ ra, tạo nên “Chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2”.

Năm 1968, Triều Tiên tịch thu USS Pueblo, một tàu thu thập thông tin tình báo của Mỹ khi đó đang hoạt động ở bờ biển phía đông của Triều Tiên. Thủy thủ đoàn bị giam giữ trong 1 năm và chỉ được thả sau khi Tổng thống Lyndon Johnson đưa ra lời xin lỗi bằng văn bản.

Vài tháng sau đó, các máy bay Mig-17 của Triều Tiên bắn hạ một máy bay giám sát EC-121 của Hải quân Mỹ khi máy bay này đang bay trên vùng biển quốc tế gần bờ biển phía đông của Triều Tiên.

Năm 1976, một nhóm lính Triều Tiên tấn công nhóm lính Hàn Quốc và Mỹ đang tỉa cây ở khu phi quân sự, hậu quả là 2 lính Mỹ thiệt mạng.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành gửi lời xin lỗi bằng văn bản sau vụ việc này, còn lực lượng Mỹ và Hàn Quốc phản ứng bằng hành động mang tính biểu tượng là chặt bỏ cây này.

(Còn nữa)
Theo Theo NCNK.org
MỚI - NÓNG