Việc phiến quân Taliban chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 16/8 là một bất ngờ lớn do sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan được vũ trang mạnh mẽ. Các trận chiến ngắn ngủi xung quanh thành phố kết thúc gần 20 năm kiểm soát của lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu hoặc chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn.
Trong khi sự ủng hộ chính quyền Joe Biden đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Mỹ rút quân, động thái bị nhiều người chỉ trích là vội vàng và lên kế hoạch kém, Washington, theo một số nhà quan sát, vẫn không chấp nhận việc kẻ thù lâu đời của họ đã lên nắm quyền ở Afghanistan và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động chống lại Taliban trong tương lai gần.
Tuy nhiên, với việc Taliban hiện cầm quyền ở Afghanistan, bản chất của cuộc xung đột này có thể sẽ rất khác so với 20 năm trước. Taliban sẽ phản ứng như thế nào, và liệu điều này có thúc đẩy chính phủ mới ở Kabul củng cố mối quan hệ an ninh và kinh tế với các quốc gia láng giềng như Iran, Trung Quốc và Pakistan hay không, vẫn còn là điều phải xem xét.
Vào ngày 17/8, có thông báo nói rằng tài sản của chính phủ Afghanistan tại Mỹ đã bị đóng băng - có lẽ cho đến khi một chính phủ thuận lợi hơn cho các lợi ích của phương Tây có thể được đưa lên nắm quyền, nếu không muốn nói là vô thời hạn. Tổng thống Biden nói rằng Mỹ có kế hoạch tiếp tục các hoạt động quân sự ở Afghanistan sau đợt rút quân cuối cùng của lực lượng Mỹ dự kiến vào ngày 31/8, cho thấy nước này sẽ chuyển sang một cuộc 'chiến tranh bằng máy bay không người lái' hiệu quả hơn về chi phí, tương tự như ở Somalia và trước năm 2015 tại Yemen.
Tuy nhiên, Tổng thống Pakistan Imran Khan đã từ chối yêu cầu của tình báo CIA của Mỹ sử dụng lãnh thổ của đất nước ông cho các hoạt động tấn công trong tương lai qua biên giới Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Điều này đặt ra câu hỏi về cách Mỹ có thể tấn công Taliban hoặc các chi nhánh của họ trong tương lai. Afghanistan không có biển, khả năng Mỹ tấn công từ biển có thể bị loại trừ vì làm thế là xâm phạm không phận các nước láng giềng của Afghanistan.
Theo một số chuyên gia, Mỹ có thể tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực đối với Taliban, đồng thời hỗ trợ các phần tử nổi dậy chống Taliban. Những đối tượng này có thể được phương Tây đào tạo, hỗ trợ kinh phí và thông tin tình báo. Một số phương tiện truyền thông Mỹ đã tuyên bố từ ngày 18/8 rằng đã bắt đầu xuất hiện một “liên minh chống lại Taliban” mới ở các khu vực phía bắc Afghanistan, nơi trước đây sự hiện diện của Taliban yếu hơn nhiều nơi khác. Phó Tổng thống thứ nhất của Afghanistan, Amrullah Saleh, được coi là người lãnh đạo phong trào này. Lực lượng của ông được cho là được trang bị tốt, có trong tay các máy bay trực thăng vận tải và một số loại vũ khí.