Mỹ ra báo cáo bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 12/1, Mỹ công bố báo cáo chi tiết nhất từ trước đến nay để bác bỏ các yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông, phủ nhận cả cơ sở lịch sử và địa lý mà Bắc Kinh sử dụng cho những đòi hỏi chiếm trọn Biển Đông.
Mỹ ra báo cáo bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông ảnh 1

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 3/2021. (Ảnh: Maxar)

Trong tài liệu nghiên cứu dài 47 trang, Cục Đại dương, Môi trường quốc tế và khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra để chồng lên vùng biển của Philippines, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

“Tác động tổng thể của những lập luận này là Trung Quốc đưa ra yêu sách trái pháp luật về chủ quyền hoặc quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông”, tài liệu viết.

“Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các vùng biển và đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước (UNCLOS 1982)”, tài liệu viết.

Khi công bố nghiên cứu này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố một lần nữa kêu gọi Trung Quốc “dừng những hoạt động trái pháp luật và chèn ép trên Biển Đông”.

Tài liệu này là bản cập nhật của một nghiên cứu từ năm 2014 về cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh sử dụng cho yêu sách của họ.

Năm 2016, toà án trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh đáp trả bằng cách đưa ra những lý lẽ mới, trong đó có lập luận cho rằng nước này có “quyền lịch sử” đối với vùng biển.

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố yêu sách dựa trên quyền lịch sử đó “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc chưa từng nêu cụ thể.

Tài liệu cũng lập luận về yêu sách của Trung Quốc từ khía cạnh địa lý, nói rằng hơn 100 cấu trúc mà Trung Quốc đánh dấu trên Biển Đông là những cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên, do đó “nằm ngoài giới hạn lãnh hải hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào”.

Bắc Kinh đưa những cấu trúc địa lý đó vào 4 “nhóm đảo” để đòi áp dụng UNCLOS 1982 cho cơ chế quần đảo, nhưng nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những “nhóm đảo” này không đáp ứng được các tiêu chí về đường cơ sở mà UNCLOS 1982 quy định.

Theo AP
MỚI - NÓNG