Hải quân Mỹ và Nhật Bản lần đầu phối hợp diễn tập chống tàu ngầm trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản phối hợp diễn tập chống tàu ngầm trên Biển Đông
Lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản phối hợp diễn tập chống tàu ngầm trên Biển Đông
TPO - Hải quân Mỹ và Nhật Bản vừa triển khai đợt tập trận chung chống tàu ngầm đầu tiên trên Biển Đông, dấu hiệu cho thấy hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng để đối phó với mối quan ngại chung.

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết 2 tàu khu trục của nước này là JS Kaga và JS Murasame, một tàu ngầm lớp Oyashio và một tàu khu trục lớp Aegis USS Milius của Mỹ, các trực thăng SH-60J và phi đội máy bay tuần tra của hai nước đã tham gia cuộc diễn tập.

Ba tàu khu trục này đã tham gia một cuộc diễn tập khác trên Biển Đông vào tuần trước, và các tàu Nhật cũng vừa có chuyến thăm cảng của Philippines vào cuối tuần qua trước khi cùng tàu khu trục BRP Jose Rizal của Philippines tập trận chung trên vịnh Subic.

Đợt diễn tập diễn ra khi Nhật Bản ngày càng thể hiện quan điểm rõ ràng hơn trước các yêu sách phi lý của Bắc Kinh đối với hầu khắp Biển Đông.

Đầu năm nay, Nhật Bản gửi một công thư lên Liên Hợp Quốc để thể hiện lập trường rằng việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở trên Biển Đông không đáp ứng được những điều kiện đặt ra trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo Tokyo chớ có những hành động làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương và chỉ trích Nhật chịu ảnh hưởng của Mỹ.

Trung Quốc gần đây tăng cường hợp tác quân sự với Nga để đối phó với sức ép từ Mỹ và các đồng minh. Tháng trước, Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành đợt tuần tra chung đầu tiên trên biển Nhật Bản.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, cho rằng đợt tập trận chống tàu ngầm của Hải quân Mỹ và Nhật lần này không gây ngạc nhiên đối với Bắc Kinh, và trước đây tàu ngầm Kuroshio của Nhật cũng đã thực hiện các bài tập huấn luyện ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu này cho rằng quân đội Trung Quốc có lợi thế vì đã tăng cường hiện diện ở vùng biển tranh chấp trong những năm qua, nhưng Bắc Kinh vẫn phải chờ xem liệu Nhật Bản có thường xuyên đưa tàu ngầm đến khu vực này trong tương lai hay không.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG