Hạm đội 7 cho biết một cuộc điều tra đã kết luận rằng tàu ngầm USS Connecticut đâm vào một cấu trúc địa chất hôm 2/10.
“Cuộc điều tra xác định rằng tàu ngầm USS Connecticut va vào một vỉa ngầm chưa được thăm dò khi đang hoạt động trong khu vực quốc tế của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, phát ngôn viên Hạm đội 7 cho biết.
Kết luận đã được chuyển tới Phó đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 để “quyết định xem có cần thực hiện hành động tiếp theo hay không, bao gồm vấn đề trách nhiệm giải trình”, thông cáo cho biết.
Hải quân Mỹ xác nhận vụ việc sau 1 tuần xảy ra, nhưng chỉ cho biết tàu tấn công nhanh Connecticut “va vào một vật thể khi đang lặn dưới biển”.
USNI News, trang tin của Viện Hải quân Mỹ, cho biết con tàu đã bị một số hư hỏng không đến mức nghiêm trọng sau vụ va chạm.
Bản tin tiết lộ sự cố đã làm hư hại thùng chứa đạn phía trước của tàu và buộc nó phải nổi lên để trở về căn cứ ở Guam. Theo USNI News, khoang chứa nhiên liệu hạt nhân của tàu không bị hư hại.
Sau khi Mỹ thông báo về sự cố, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Washington giải thích cụ thể về vụ việc. Bắc Kinh cho rằng việc cung cấp thông tin không đầy đủ là “vô trách nhiệm” và bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ “rò rỉ hạt nhân”.
Tàu ngầm Connecticut được Mỹ chế tạo và đưa vào biên chế hải quân vào năm 1998. Tàu có chiều dài 107,5m, trọng tải tối đa là 9.137 tấn.
Tàu có thể đạt vận tốc tối đa 65 km/h, khả năng lặn sâu nhất là 490m.
Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học công nghệ Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng vụ tàu ngầm Connecticut gợi nhớ tai nạn chết người cách đây 21 năm của K-141 Kursk - tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Vụ thử ngư lôi thất bại vào ngày 12/8/2000 gây ra vụ nổ lớn khiến tàu Kursk bị đắm trên biển Barents, tất cả 118 thuỷ thủ trên tàu thiệt mạng.
Tai nạn đó không gây rò rỉ hạt nhân hay ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, vì các vách ngăn của tàu có thể chịu đựng sức ép của vụ nổ, giúp hai lò phản ứng của con tàu tự động đóng lại.
Nhưng trong khi tàu ngầm Nga có hai lớp vỏ, gồm một lớp chịu áp lực bên trong và lớp nhẹ hơn bên ngoài, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ chỉ có một lớp vỏ, vì thế có nguy cơ rò rỉ hạt nhân nếu tàu đâm va chạm quá mạnh, ông Zhou nói.