Theo Đại sứ Mỹ, bản đồ mới cơ bản giống bản đồ “đường 9 đoạn”, vốn không có cơ sở luật pháp quốc tế. “Đó là thứ mà phía Trung Quốc tạo ra như căn cứ lịch sử do họ tự dựng lên, nhưng chúng tôi không thấy có bất kỳ cơ sở nào”, ông nói.
InterAksyon dẫn lời ông Goldberg nói rằng, việc Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Đồng thời phê phán Trung Quốc đang cố ý vi phạm luật pháp trên biển của một quốc gia khác, làm dấy lên mối quan ngại trong khu vực.
Đại sứ Goldberg phát biểu trước Hội Hiến pháp Philippines tại thành phố Makati: “Chúng tôi cho rằng, nên sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) và xa hơn nữa, làm cho bộ quy tắc này có tính ràng buộc”.
Theo ông Goldberg, chính phủ Philippines đã hành động đúng trong việc tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp và lên tiếng phản đối trước khi đưa ra một tòa án thích hợp của Liên Hiệp Quốc.
“Tôi cho rằng, con đường giải quyết tranh chấp biển Đông là thông qua tòa án, xây dựng COC, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đàm phán trực tiếp với các bên liên quan, không dùng biện pháp đe dọa mà sử dụng hình thức đàm phán hợp pháp giống như thỏa thuận giữa Philippines và Indonesia về vùng đặc quyền kinh tế trên biển của hai nước. Vấn đề có thể được giải quyết ổn thỏa”, ông Goldberg nói.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila của Philippines, nhận định, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát các vùng biển gần kề ở phía tây Thái Bình Dương bất chấp luật pháp. “Trung Quốc có thể cần dùng tới các biện pháp hăm dọa nhiều hơn để đạt được mục đích đó và sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội của các nước liên quan”, ông Heydarian nói.
TTXVN đưa tin, ngày 26/6, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Vladimir Dzhabarov, cùng thành viên ủy ban Igor Morozov đã hội đàm với Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Hai bên khẳng định mong muốn giải quyết tất cả các tranh chấp ở châu Á cũng như châu Âu thông qua đàm phán hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc không can thiệp.