Báo chí Mỹ đưa tin việc Christopher Nguyễn, 26 tuổi, gần đây phải điều trị chứng trầm cảm trong bệnh viện trước khi bắn chết anh trai và định tự sát đang thu hút mối quan tâm của xã hội đối với thanh niên gốc Việt tại Mỹ.
Các gia đình Việt thường bối rối và thậm chí bất lực khi con cái có những hành động kiểu này. Nhà xã hội học David Takeuchi (ĐH Whashington), người nghiên cứu về chứng trầm cảm của người Mỹ gốc Việt và cộng đồng châu Á tại Mỹ cho biết dù số vụ tự tử giảm, nhưng có mối liên hệ giữa trầm cảm và tự tử.
Theo David Takeuchi, tỷ lệ người Mỹ gốc Á sinh ra tại Mỹ hoặc di cư đến Mỹ trước 18 tuổi bị trầm cảm cao hơn so với những người đến Mỹ sau đó.
Nhà tâm lý học Anna Lau (ĐH California) cho rằng những khác biệt về văn hoá, thế hệ giữa thanh niên Mỹ gốc Việt và bố mẹ là nguồn gốc gây ra bệnh trầm cảm. Anna Lau thực hiện cuộc nghiên cứu liên quan đến sức khoẻ tinh thần và stress với người trẻ gốc Việt tại quận Cam và San Josse. Bà Anna Lau cho biết khi so sánh với bạn trẻ Mỹ gốc châu Âu, người trẻ Mỹ gốc Việt có mức độ xung đột với bố mẹ nhiều hơn. Người trẻ Mỹ gốc Việt phàn nàn rằng bố mẹ quá nghiêm khắc và ghét bị kìm cặp.
Theo bà Anna Lau, thay cho việc dò xét thái độ, ứng xử của con, các cặp bố mẹ gốc Việt nên bắt đầu trò chuyện, sẻ chia với chúng, thể hiện sự quan tâm và cảm thông và đây là cách để tránh cho teen bị trầm cảm.
Bà Lau nói các cặp bố mẹ gốc Việt cũng muốn điều tốt nhất cho con mình, nhưng không nên quá khắt khe hay quan tâm quá mức. Theo nghiên cứu, có nhiều teen Mỹ gốc Việt học tốt, tránh xa được rắc rối khi không bị bố mẹ quá quan tâm. Theo bà Lau, khi teen gốc Việt có những biểu hiện khác thường như hay cãi lời người khác, cáu kỉnh, bố mẹ phải giúp đỡ chúng bằng cách lắng nghe, thể hiện sự quan tâm.