Mỹ nêu gương trong cuộc đua tiêm phòng cho thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phu nhân đáp xuống sân bay ở Anh ngày 9/6 Ảnh: The Times
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phu nhân đáp xuống sân bay ở Anh ngày 9/6 Ảnh: The Times
TP - Một năm trước, Mỹ là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 nên phải huỷ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Năm nay, Mỹ trở thành một hình mẫu vươn lên thoát dịch sau hơn 15 tháng chìm trong khủng hoảng.

Đối với Tổng thống Joe Biden, cuộc gặp với lãnh đạo các nước G7 trong chuyến công du đầu tiên từ khi lên nhậm chức không chỉ là minh chứng cho cam kết của ông về việc đảo ngược cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng ở Mỹ, mà còn là dịp thể hiện vai trò dẫn dắt của nước Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước thềm hội nghị, ông Biden cho biết kế hoạch quyên góp 500 triệu liều vắc-xin Pfizer cho hơn 90 quốc gia trong năm sau, bên cạnh 80 triệu liều vắc-xin ông cam kết vào cuối tháng trước. Các quan chức Mỹ cho biết ông Biden cũng sẽ trực tiếp kêu gọi các lãnh đạo khác trong G7 làm tương tự.

“Chúng ta phải chấm dứt COVID-19, không chỉ ở trong nước mà ở khắp nơi”, ông Biden nói trước các quân nhân Mỹ trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du kéo dài 8 ngày qua 3 quốc gia.

“Không có bức tường nào đủ cao để giữ chúng ta an toàn trước đại dịch này hoặc mối đe dọa sinh học tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt - và sẽ còn có những đại dịch khác”, ông nói.

Mỹ đang chịu sức ép phải đề ra kế hoạch chia sẻ vắc-xin toàn cầu, đặc biệt trước tình trạng bất bình đẳng trong nguồn cung trên khắp thế giới và nhu cầu tiêm vắc-xin ở Mỹ đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Gần 64% người trưởng thành Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, trong khi số ca mắc mới và tử vong trung bình ở Mỹ giờ đã xuống mức thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những ngày đầu đại dịch mới bùng phát. Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 6,9% trong năm nay, trở thành một trong số ít quốc gia đạt triển vọng tốt nhất so với giai đoạn trước khi xuất hiện đại dịch.

Cam kết mới của Mỹ là sẽ mua và quyên tặng 500 triệu liều vắc-xin Pfizer để phân phối qua chương trình COVAX tới 92 quốc gia thu nhập thấp và Liên minh châu Phi. Mỹ sắp trở thành nước quyên góp vắc-xin nhiều nhất cho COVAX và cam kết tài trợ nhiều nhất cho sáng kiến này, với 4 tỷ USD.

COVAX đến nay mới phân phối 81 triệu liều vắc-xin, và nhiều khu vực của thế giới, nhất là châu Phi, vẫn là “sa mạc của vắc-xin”, theo Reuters.

Mỹ hy vọng thượng đỉnh G7 lần này sẽ đạt được một tuyên bố chung để thể hiện cam kết của các nước thành viên nhóm và các nước khách mời về việc sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp thế giới được tiêm phòng và hỗ trợ y tế cộng đồng toàn cầu.

Tuần trước, Nhà Trắng thông báo kế hoạch chuyển 25 triệu liều vắc-xin qua COVAX để đưa đến Trung và Nam Mỹ, châu Á, châu Phi và các quốc gia khác.

Trung Quốc và Nga cũng đang tích cực chia sẻ vắc-xin nội địa cho nhiều quốc gia.

Các loại vắc-xin công nghệ mRNA do Mỹ sản xuất đã được chứng tỏ là có hiệu quả tốt hơn đối với những chủng virus ban đầu và biến thể virus corona so với công nghệ vắc-xin truyền thống.

MỚI - NÓNG