Mỹ nâng cấp hệ thống đánh chặn mặt đất giữa lúc ‘nước sôi lửa bỏng’

Mỹ nâng cấp hệ thống đánh chặn mặt đất giữa lúc ‘nước sôi lửa bỏng’
TPO - Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) là con át chủ bài của Lầu năm góc được xây dựng chuyên để hủy diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong không gian. Tại sao Mỹ lại đột ngột tuyên bố nâng cấp GMD trong bối cảnh Triều Tiên thử thành công bom H và gắn vào ICBM.

Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD)

Hệ thống GMD được Mỹ phát triển từ năm 1997 nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm xa.

GMD đóng vai trò chính trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, chuyên đánh chặn tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học và thông thường khi chúng đang trong không gian.

Cấu trúc của GMD bao gồm hệ thống đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI), các thiết bị hỗ trợ dưới mặt đất và tổ hợp điều khiển hỏa lực.

GBI là tên lửa đẩy nhiên liệu rắn nhiều tầng được trang bị đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển (EKV). Sau khi phóng, tên lửa đẩy sẽ đưa EKV tiếp cận đầu đạn của tên lửa đạn đạo đối phương đang bay tới.

Ở giai đoạn này, EKV tách khỏi tên lửa đẩy, sử dụng dữ liệu từ cảm biến tích hợp và hệ thống dẫn bắn mặt đất để xác định mục tiêu rồi lao thẳng vào đầu đạn ICBM đối phương theo cơ chế va chạm để tiêu diệt. Động năng từ vụ va chạm sẽ phá hủy đầu đạn ICBM đối phương ngoài khí quyển Trái Đất.

Tổ hợp điều khiển hỏa lực và hỗ trợ bao gồm các trạm chỉ huy, cơ sở hạ tầng hỗ trợ phóng đạn và mạng lưới thông tin liên lạc. Trung tâm điều khiển hỏa lực (GFC) nhận dữ liệu từ vệ tinh và radar mặt đất, sau đó chuyển tham số mục tiêu cho GBI, dẫn đường cho đầu đạn đánh chặn. GFC cũng có thể tăng cường khả năng nhận định tình hình nhờ yếu tố chỉ huy, kiểm soát chiến đấu và liên lạc.

Lá chắn GMD của Mỹ hiện sở hữu 36 tên lửa đánh chặn, trong đó 32 quả đặt ở căn cứ Greely, Alaska, 4 quả còn lại bảo vệ căn cứ không quân Vandenberg, California. Lầu Năm Góc dự kiến tăng số lượng tổ hợp đánh chặn của GMD lên 44 vào cuối năm nay.

Những lỗ hổng "chết người" của GMD

Hệ thống GMD là con át chủ bài của quân đội Mỹ trong việc đối phó với các ICBM Triều Tiên. Mặc dù, Mỹ đã thành công trong một số cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại điểm yếu chí tử, có nguy cơ thất bại khi đánh chặn ICBM đối phương.

Một điểm yếu chí tử đó hệ thống này chỉ có khả năng chống lại số lượng rất ít đầu đạn cùng lúc. Các tên lửa đánh chặn hiện cũng chỉ đánh trúng một nửa số mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm.

Đặc biệt, hệ thống GMD chỉ phát huy hiệu quả trước những quốc gia sở hữu kho tên lửa đạn đạo hạn chế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt, đặc biệt là sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của Triều Tiên, tên lửa ICBM gắn đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể phá vỡ vòng vây của các GMD.

Vấn đề là hệ thống GMD chưa thể hiện được độ chính xác và tin cậy cần thiết trong các cuộc thử nghiệm. Hệ thống GMD có tỷ lệ thành công trong các cuộc thử nghiệm chỉ là hơn 55%.

Nhiều thử nghiệm đánh chặn thất bại bắt nguồn từ lỗi cơ khí hoặc phần mềm, vốn có thể được khắc phục để tăng tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, Mỹ chưa có kế hoạch nâng cấp các đạn đánh chặn thế hệ trước, trong khi đạn đánh chặn thế hệ mới chưa được thử nghiệm đầy đủ.

Theo đánh giá của Philip E. Coyle, học giả cấp cao Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, cho rằng lá chắn tên lửa Mỹ chưa đủ khả năng đánh chặn ICBM thực sự trong điều kiện chiến tranh. Các thử nghiệm từ trước tới nay đều được tiến hành trong điều kiện lý tưởng, chỉ có một tên lửa tiếp cận từ hướng biết trước, không sử dụng mồi bẫy hay các biện pháp đối phó. Nếu tên lửa đánh chặn thất bại trong điều kiện này, chúng sẽ còn hoạt động tệ hơn trên thực tế.

Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thậm chí còn khẳng định các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. "Khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ không chờ đến khi thời tiết đẹp mới phóng tên lửa", ông Coyle nói.

Đặc biêt, tỷ lệ thành công thấp buộc có thể khiến quân đội Mỹ phải phóng 4-5 tên lửa để đánh chặn một quả ICBM đối phương. Như vậy, với số lượng tên lửa đánh chặn có hạn, hệ thống GMD sẽ không có nhiều cơ hội để bảo vệ lục địa Mỹ, Coyle nhấn mạnh.

Cải tiến GMD-chìa khóa tiêu diệt ICBM

Để cải thiện khả năng một tên lửa đánh chặn từ mặt đất có thể ngăn chặn một vụ tấn công bằng tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân, thời gian tới Lầu Năm Góc sẽ tiến hành cải tiến theo hình thức “tích hợp các bộ phận đánh chặn, cảm biến, bộ phận chỉ huy, kiểm soát và trao đổi thông tin” vào hệ thống phòng thủ tên lửa.

Theo đó, Công ty Northrop Grumman đang làm việc với Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) để điều chỉnh các hệ thống chỉ hủy và kiểm soát mới có khả năng trao đổi thông tin với vũ khí đánh chặn để cải thiện khả năng dẫn đường tới ICBM của kẻ địch. 

Mark Thornton – Giám đốc Bộ phận Điều khiển Hệ thống Phòng thủ Tên lửa của công ty Northrop Grumman – cho biết công nghệ này, tích hợp các thành phần mới vào các thiết bị đầu cuối và hệ thống trao đổi thông tin, được thiết kế để tăng cường độ tin cậy của hệ thống phòng thủ từ lưng chừng đặt  trên mặt đất (GMD) của Lầu Năm Góc và đẩy nhanh quá trình các cảm biến định vị các ICBM. 

Trong lúc tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) bay vào không gian để phân biệt và phá hủy ICBM, các cảm biến và công nghệ trao đổi thông tin là thành tố rất cần thiết để kết nối với hệ thống đánh chặn trước khi tiến hành nhiệm vụ.

Mặc dù có nhiều chi tiết, cảm biến hoặc công nghệ RF có liên quan không được đưa ra thảo luận công khai, song một số cải tiến đáng kể đã nhanh chóng được thực hiện. Ông Thornton giải thích: “Chúng tôi đang thay thế hệ thống GMD bằng các phiên bản cải tiến. Chúng tôi đang nhanh chóng đưa ra các thay đổi để đưa các thiết bị mới vào hệ thống”. 

Theo nhiều lãnh đạo cấp cao trong Lầu Năm Góc, các cải tiến về bộ phận chỉ huy và kiểm soát trong công nghệ phòng thủ tên lửa tiếp tục nổi lên là ưu tiên chính trong ngân sách và chi tiêu.

Trước mối đe dọa từ Triều Tiên, việc nâng cấp các tên lửa phòng không của Mỹ đang được tiến hành ở thời điểm vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho hệ thống GMD của Lầu Năm Góc. Sau khi kết thúc đợt rà soát các vũ khí hạt nhân, chính sách và hàng rào phòng thủ hiện tại, có nhiều khả năng việc cung cấp vốn cho công nghệ phòng thủ tên lửa sẽ tiếp tục gia tăng. 

Trong buổi điều trần mới đây trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết các quyết định tiếp theo về việc ưu tiên chi tiêu cho phòng thủ tên lửa sẽ được đưa ra sau khi kết thúc đợt rà soát chiến lược hiện nay. 

Cũng trong buổi điều trần này, Phó Đô đốc James Syring, Giám đốc MDA, nói rõ rằng phần lớn trong ngân sách 7,9 tỷ USD được đề xuất cho năm 2018 của MDA sẽ dùng để hỗ trợ việc “tích hợp các bộ phận đánh chặn, cảm biến, bộ phận chỉ huy, kiểm soát và trao đổi thông tin” vào hệ thống phòng thủ tên lửa.

Việc thu nhỏ phần cứng và đẩy nhanh tốc độ xử lý của bộ phận chỉ huy và kiểm soát là điểm cốt lõi trong việc cải tiến hệ thống GMD. Như vậy là với việc có ít hơn các phần cứng trong GMD - có được qua công nghệ nén, hợp nhất dữ liệu, điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến độ tin cậy của hệ thống đánh chặn GBI khi nó được kích hoạt và đưa vào không gian. 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.