Mỹ, các nước ASEAN phản đối Trung Quốc

 Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam
Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam
TP - Nhiều nghị sỹ Mỹ cho rằng, hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực. Đại diện của Indonesia và Singapore nói rằng ASEAN sẽ can dự vào vấn đề biển Đông.

Ngày 21/5 tại Trung Quốc, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh CICA nêu rõ, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực được giải quyết theo tinh thần trên. Về vấn đề biển Đông, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). 

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã gửi thông cáo đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva để nêu rõ những hành động sai trái của Trung Quốc khi đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS, vi phạm DOC cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước. Thông cáo nhấn mạnh, Việt Nam đã kiên trì biện pháp đấu tranh hòa bình, với 20 lần công khai liên lạc với Trung Quốc về vụ việc. 

Thông cáo nêu rõ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan cùng một loạt tàu hỗ trợ ra khỏi vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đề nghị chính phủ tất cả các nước lên tiếng chỉ trích hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tôn trọng quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia ven biển phù hợp UNCLOS. Hành động sai trái của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải và an toàn trên biển Đông, trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 21/5 tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải, đồng thời nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và các nước láng giềng cần có giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, Kyodo đưa tin. “Tất cả các vấn đề nên được giải quyết phù hợp với luật pháp cũng như chuẩn mực quốc tế”, ông Razak nói.

Trong cuộc điều trần hôm 20/5 của ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, các nghị sỹ Mỹ nói rằng, các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực.

Ông Russel cho rằng, các diễn biến ở biển Đông hiện nay là những hành động của Trung Quốc nhằm “giành giật chủ quyền một cách phi pháp và việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là hành động nhằm quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền”. Ông khẳng định, cách giải quyết tốt nhất cho Mỹ, Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc lúc này là thông qua các biện pháp ngoại giao, đối thoại với tinh thần xây dựng, giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Indonesia và Singapore: ASEAN sẽ can dự vấn đề biển Đông

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Wall Street Journal (Mỹ) ngày 20/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thẳng thừng bác bỏ những quan điểm từng được Trung Quốc viện dẫn để biện minh cho hành động leo thang tại biển Đông. Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Natalegawa khẳng định, những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình.

Ông Natalegawa khẳng định, những hành động của Trung Quốc gần đây rõ ràng vi phạm DOC, cho dù Bắc Kinh vẫn luôn cam kết tuân thủ tuyên bố này. Ngoại trưởng Indonesia cho biết, Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên biển Đông, sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Khi trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Nikkei khi tới Nhật Bản dự Hội nghị “Tương lai châu Á”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, biển Đông là một trong những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Ông Lý Hiển Long khẳng định, vì sự ổn định của khu vực, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề biển Đông và sẽ cố gắng hết sức để vấn đề này không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang hợp tác tích cực trong lĩnh vực tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thương mại…


MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.