Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp ĐB Đỗ Văn Đương:

Đại biểu Quốc hội rất bức xúc về tình hình biển Đông

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chiều 21/5, trả lời Tiền Phong bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhấn mạnh: “Quốc hội phải có ý chí, thể hiện bằng hành động cụ thể, tuyên bố trước nhân dân là Quốc hội sẽ làm gì trong thời gian tới”.

ĐB Đỗ Văn Đương nói: 


Hanh động leo thang, lấn tới của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm, vấn đề không chỉ là việc đặt giàn khoan mà còn là thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Họ không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam mà còn ảnh hưởng tự do thương mại, tự do hàng hải quốc tế; không chỉ đe dọa an ninh cho nước ta mà còn đe dọa an ninh khu vực và quốc tế. Đặc biệt là gây khó khăn cho an ninh kinh tế.

Chủ trương của chúng ta là bằng mọi biện pháp để phòng ngừa, trước hết là yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và không được lấn tới. Chúng ta phải rất chủ động đề cao cảnh giác, nhìn nhận vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước là phải có tầm chiến lược. Chủ động đối phó trong mọi tình huống, căn cứ vào thế và lực của đất nước và yêu cầu cụ thể. Chúng ta không được mắc mưu của chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ.

Những ngày qua, cử tri và nhân dân ta rất bức xúc, gửi yêu cầu tới Quốc hội và mong Quốc hội thể hiện thái độ của mình về tình hình biển Đông mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội rất bức xúc về tình hình biển Đông ảnh 1 Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM). Ảnh: Hồng Vĩnh

Các đại biểu Quốc hội đều rất bức xúc, giống như bức xúc của nhân dân, bày tỏ lòng yêu nước, cực lực phản đối hành động leo thang nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông. Họ đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội thấy Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến ở Hội nghị cấp cao ASEAN, Chủ tịch nước có ý kiến, cho nên Quốc hội cũng phải bày tỏ ý chí, có thể ra một tuyên bố, có thể nói rõ trong các cuộc họp về ý kiến, chính kiến của đại biểu, thậm chí có đại biểu còn đề nghị ra nghị quyết. Điều đó thể hiện trách nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải làm gì.

Nhìn vào những vụ việc biểu tình của nhân dân vừa qua ông có đánh giá gì?

Tôi cho rằng, nhân dân ta trọng chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, xử sự có văn hóa. Còn những kẻ đứng sau gây rối vừa qua phải điều tra làm rõ. Việc xử lý những vụ đập phá nhà máy phải tìm ra xem đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Còn nhân dân Việt Nam chỉ bày tỏ lòng yêu nước, không phải là cố tình gây thiệt hại cho đất nước mình.

Tranh chấp này phải giải quyết theo con đường quốc tế, nếu chúng ta cứ nhẫn nhịn Trung Quốc càng lấn tới thì ta nên kiện ra Tòa án quốc tế để xem vùng biển đó là chủ quyền, quyền tài phán của ai, ứng xử của các bên thế nào.

Chúng ta đã và đang kiên trì đấu tranh với Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, nhưng Trung Quốc vẫn chưa rút giàn khoan về. Theo cá nhân ông, tới đây chúng ta phải có giải pháp gì?

Theo tôi, chúng ta vẫn phải duy trì tiến hành các biện pháp đồng bộ hiện nay, cả trên thực địa, cả bằng ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Tranh chấp này phải giải quyết theo con đường quốc tế, nếu chúng ta cứ nhẫn nhịn Trung Quốc càng lấn tới thì ta nên kiện ra Tòa án quốc tế. Tôi tin là quốc tế sẽ sáng suốt, bởi việc đó không chỉ là việc của Việt Nam mà nó còn là vấn đề thương mại, tự do hàng hải, hàng không quốc tế.

Chúng ta nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, của Trung Quốc là khó thay đổi. Chính vì thế, đường hướng của chúng ta phải có tầm chiến lược và tính khả thi, đảm bảo không để xảy ra xung đột vũ trang, không để ảnh hưởng đến nhiều việc khác. Quan trọng nhất là chúng ta phải dự báo được những diễn biến xấu trên biển Đông ảnh hưởng đến an ninh kinh tế để có những bước điều chỉnh phù hợp. Làm gì cũng phải giữ vững được chủ quyền để phát triển đất nước. Đất nước mạnh thì việc giữ chủ quyền mới tốt.


Thưa ông, Quốc hội nên tỏ thái độ về vấn đề biển Đông và giàn khoan 981 thế nào?

Việc ra nghị quyết hay tuyên bố chỉ là hình thức thể hiện. Quốc hội phải có ý chí, thể hiện bằng hành động cụ thể, tuyên bố trước nhân dân là Quốc hội sẽ làm gì trong thời gian tới. Ví dụ như tôi nói, đề xuất đưa Luật Biểu tình vào chương trình sớm hơn, đấy cũng là hành động cụ thể của Quốc hội. Phải để cho người dân biểu tình có nơi, có chốn, có thời gian, có chủ đề. Phải có chỗ cho người dân thể hiện lòng yêu nước và lòng yêu nước của người dân chính là sức mạnh vô địch để chống lại bất cứ thế lực xâm lược nào.

Cảm ơn ông!


MỚI - NÓNG