Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có thể nói, báo chí công giáo là những tờ báo xuất hiện sớm nhất trong làng báo Việt Nam. Trước năm 1945 nước ta có khoảng 40 tờ báo tôn giáo (Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945 GSTS Đỗ Quang Hưng- NXB Khoa học xã hội) riêng công giáo nhiều nhất, trên 20 tờ.

Chủ nhiệm kiêm chủ bút những tờ báo ấy hầu hết là các linh mục hoặc tu sĩ. Độc đáo có tờ Vì Chúa do linh mục L’abbe Thích làm chủ bút, ông này trước là sư sau theo đạo Giatô. Tờ báo xuất bản ba thứ tiếng, Hán, Pháp, Việt. Phan Bội Châu từng là cộng tác viên (CTV) lâu năm của tờ này.

Tờ tồn tại lâu nhất và cũng xuất hiện sớm nhất là tờ Nam Kỳ địa phận xuất bản ở Sài Gòn ngày 26/11/1908 và số báo cuối cùng phát hành là ngày 1/3/1945. (Tờ báo công giáo Gia Định báo ra đời sớm hơn và nổi danh với những cây bút công giáo như Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trường Tộ. Học giả tài hoa Nguyễn Trường Tộ kiêm nhà cải cách mà hậu thế biết đến với công trình dịch Truyện Kiều ra Pháp ngữ và ông thông thạo đến 27 thứ tiếng nước ngoài. Người Việt đầu tiên vinh hạnh yết kiến Đức Giáo hoàng Piô IX và được ban huy hiệu Giáo hoàng, tác giả 57 điều trần và hàng chục bộ sách trong đó có cuốn Nông chính toàn thư nổi tiếng)

Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo ảnh 1

LM Hồ Ngọc Cẩn

Nội dung tờ Nam kỳ địa phận khá phong phú có thể nói ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng nội dung vẻ như không xa lạ chi mấy với báo chí hiện đại! Ngoài các mục tôn giáo như tin tức, thư chung, chuyện các Thánh... là chuyện đời như phong hoá, canh nông, thương mại, chăn nuôi, thi ca, các bài thuốc, chuyện giải sầu...

“Kính xin ông chủ bút làm ơn ấn hành bài nầy cho chư vị trong lục châu rõ, mà trừ ba anh Chệc ở tiệm cầm đồ cho hết lường gạt mấy chị đờn bà. Vậy nếu muốn cho khỏi lầm tay mấy anh Chệc đó thì phải lời nghị ngày 25 tháng November 1905 của quan Nguyên Soái Nam Kỳ đã định điều lệ cho công ty cầm đồ như sau này: Những đồ cầm 100 đồng bạc, tiệm đặng lời 2 đồng trong một tháng, là 30 ngày, nghĩa là kể từ ngày cầm mà cho đến ngày mình chuộc, cho đúng 30 ngày, ví dụ mình cầm ngày 28 tháng 2 tây, cho đến ngày 29 tháng 3 tây mình chuộc, thì đúng là 30 ngày, thì trọn một tháng lời, vì tháng 2 tây thiếu ngày.( Trích trang 541, JB Xuân)”.

Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo ảnh 2

Tờ Nam Kỳ địa phận

Nói đến tờ Nam Kỳ địa phận không thể nói đến cây bút chủ lực của tờ báo trong nhiều năm, Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Vị giám mục này còn soạn nhiều sách trong đó có cuốn phổ cập rộng rãi như triết nhân tri kỷ... Nhiều bậc cao niên đến nay còn nhớ những bài báo viết theo thể biền ngẫu của vị giám mục này đăng trên Nam Kỳ địa phận nhằm giáo dục thanh niên.

Ngày 23/9/1945, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, sau này Giám mục Tổng Toà Bùi Chu đã phát biểu trong Tuần Lễ vàng ủng hộ chính phủ Việt Minh như sau. Ai có vàng lúc này không nên ẩn giấu phải đưa ra để cùng nhau xây đắp nền độc lập cho Tổ quốc... Phần tôi khi thụ phong giám mục có một đấng biếu tôi Thánh giá này và dây đeo thực là vàng. Nhưng tôi nghĩ người đời trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này tôi vui lòng chia của quý này làm hai: Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự Quốc gia (Bán nguyệt san Đa Minh- số 149 ngày 1/10/1945)

Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo ảnh 3

ĐGM Nguyễn Văn Sang và Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Khi giám mục Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Bác Hồ đã gửi điện chia buồn và cho người tới viếng.

Có lẽ cũng na ná như bên đời, chức sắc cao nhất của giáo hội Việt Nam là Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn Độc đáo và ngạc nhiên, Ngài cũng từng có trước tác… báo chí!

Trong lòng chiếc xe hơi đón cha tại phi trường Roma là can mắm ruơi cùng ba bầu đất ươm cái giống thiên lý mang từ xứ chiêm trũng Nam Định cho các bà nữ tu người Việt xa nước bốn năm chục năm nay đang làm mục vụ chăn chiên xứ Roma đất khách quê người!

Ngài sinh tại Trác Bút ngày 19/3/1921. Thụ phong linh mục ngày 3/12/1949. Ngài hăng say và khôn ngoan tổ chức các công việc từ thiện bác ái. 15 năm làm mục vụ ở địa phận Hà Nội ngài đã bỏ hết sức mình lao tâm vất vả trong hoàn cảnh khó khăn để xây dựng giáo đoàn và hoà bình, Ngài dịch ra tiếng Việt phần Kinh Thánh cần thiết và tiện dùng trong Phụng vụ. Ngài còn cho xuất bản 3 cuốn sách hát dùng trong Phụng vụ của Giáo hội. (Trích trong Người quan sát Roma ngày 30 tháng 6 năm 1979).

Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo ảnh 4

Hồi ký của Hồng Y Trịnh Văn Căn

Hồi ký Roma (2 tập) của ngài là một tập hợp là sự nối dài của những câu chuyện thú vị.

Có một vị Giám mục mà bút lực nổi trội nhất trong số các đấng chăn chiên người Việt hiện thời. Đó là Giám mục Franxico Xavier Nguyễn Văn Sang, chủ chiên địa phận Thái Bình mà trong giới báo chí văn chương nhiều người là chỗ quen biết của cha.

Cha Sang nguyên là thư ký cho Đức Hồng Y tiên khởi Trịnh Như Khuê. Cha đi Roma tháng 10/1978, một thời điểm chả dễ dàng gì và khá nhạy cảm với giáo hội Việt Nam để dự hội nghị truyền giáo quốc tế. Cha từng viết nhiều bài được truyền thông báo chí Tòa thánh sử dụng. Chuyến đi của cha rất thành công để lại tiếng lành bên đạo lẫn bên đời!

Rồi Đức cha trải qua nhiều việc. Từng là cha xứ Nhà thờ lớn, Tổng Quản hạt Hà Nội. Giám đốc đại chủng viện. Năm 1983 là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam. Rồi Trưởng phái đoàn các Giám mục đi dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới họp ở Roma.

Muôn nẻo báo chí, tân văn - Bài cuối: Duyên văn, nghiệp báo ảnh 5

Sách ĐGM Nguyễn Văn Sang tặng tác giả

Những chuyến đi mục vụ xứ người ấy đã được cha ghi lại rất sinh động trong Bước đường hành hương sau này được NXB Hội Nhà văn tái bản cải thành Hành hương và thăm viếng với trên 1.000 trang in. Khổ lớn và số lượng đâu có nhỏ 3.000 cuốn thế mà chỉ trong thời gian ngắn sách của cha đã bán sạch! Trước đó các cuốn Ở nước ngoài, Đi Roma... của cha cũng bán khá chạy. Những cuốn ấy như tập hợp những thiên phóng sự bút ký khá sinh động của một người viết thạo nghề!

Tôi quyết định cứ viết tất cả ra để chia xẻ lòng mình với người đọc. Mỗi chặng đường là mỗi khám phá mỗi chiêm nghiệm về con người và những xứ sở của con người. Mỗi bước đi là từng bước tâm hồn được nâng lên và hướng tới vẻ đẹp mới. (Lời mở sách Bước đường hành hương, NXB Hội Nhà văn 1983)

Dáng người thấp đậm khi đi mục vụ ở xứ người, nhiều người tưởng cha là người Nhật, Trung Hoa hay Hàn Quốc... Cha dõng dạc khi thì bằng tiếng Pháp, tiếng Anh tiếng Ý mà cha đều dùng thạo Tôi là người Việt Nam. Việt Nam- Điện Biên Phủ ấy mà...

MỚI - NÓNG