Ngày 9/2, tại tọa đàm “Doanh nghiệp vượt khó hậu COVID-19 – Cơ hội và thách thức”, ông Steve Bùi cho rằng, các DN Việt Nam đa số là DN vừa và nhỏ (SMEs), trong đó rất nhiều DN muốn được đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước, tham gia vào sân chơi quốc tế. “Tuy nhiên, nhiều DN chưa hiểu được luật chơi thị trường quốc tế cần những quy chuẩn gì, luật chơi của từng quốc gia khác nhau ra sao… Chỉ khi hiểu rõ được sự khác biệt của từng thị trường thì DN mới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng” – ông Steve Bùi nói.
Với kinh nghiệm 30 năm tham gia hỗ trợ DN xuất khẩu, ông Steve Bùi có một hệ thống phân biệt các nhà xuất khẩu theo các cấp độ 5 sao, 4 sao, 3 sao… để hỗ trợ các DN. Ông Steve Bùi cho hay, khi ông đưa đơn hàng xuất khẩu chuối vào Nhật cho một số DN Việt thì đa số đều không đáp ứng đủ các yêu cầu tiêu chuẩn để chuối đi vào thị trường này rất khác. Vì vậy DN đưa hàng vào Trung Quốc.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu cũng như cách thức vượt bão mùa dịch |
“Nhưng chúng tôi không khuyến khích DN đưa hàng vào Trung Quốc bằng đường bộ, mà phải đi bằng đường biển. Vì khi tham gia vào thương mại quốc tế, nếu sản phẩm đi chính ngạch thì DN được bảo vệ và bảo hộ rất tốt. Hơn nữa, nếu sản phẩm chuối đi bằng đường bộ thì giá chỉ có 7.000 đồng/kg, nhưng đi bằng đường biển thì sản phẩm có giá gần gấp đôi. Do đó, DN cần đầu tư dài hạn chứ không nên làm ăn chộp giật” - Chủ tịch Delta E&C Nhật Bản khẳng định.
Là người từng trải trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Pacific Foods chia sẻ kinh nghiệm, muốn xuất khẩu phải danh chính ngôn thuận, đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi xuất khẩu. Các DN không nên đi đường ngược, nghĩa là cứ làm sản phẩm ra rồi đặt tên theo ý, sau đó xuất hàng bán mới phát hiện thương hiệu này đã có người đăng ký. Như vậy DN sẽ không thể bán hàng ra thế giới, mất cơ hội bán hàng trực tiếp.
Muốn đưa hàng ra thế giới, DN phải nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn của từng khu vực, từng quốc gia |
Ngoài ra, DN cần hiểu rõ những quy định, rào cản kỹ thuật của từng khu vực, như châu Âu có EVFTA, ở Mỹ có FDA… Khi các hiệp định được ký kết, chúng ta phải biết sản phẩm nào được phép vào, như Mỹ chỉ cho chúng ta xuất qua một số loại trái cây là xoài, chôm chôm, thanh long. Nếu chúng ta muốn xuất qua Mỹ một loại trái cây khác là thế mạnh của địa phương thì cũng chưa chắc được vào.
“Với những kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi mong muốn sẽ hướng dẫn, giúp các DN có nhu cầu xuất khẩu hoàn toàn miễn phí, để hàng Việt có mặt ở khắp thế giới” – ông Linh cam kết.
Tại tọa đàm, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài, cộng đồng doanh nhân người nước ngoài tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước đã ra mắt CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (VIENC). Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ Tịch CLB VIENC chia sẻ: “Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành hàng kinh doanh nói chung, đặc biệt, gây ra vô vàn khó khăn cho hàng trăm ngàn DN SMEs trên cả nước. CLB VIENC là nơi để tất cả doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước kết nối và hỗ trợ lẫn nhau một cách thực tiễn nhất trong lúc khó khăn này”.
Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày về bức tranh vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, từ đó chỉ ra những cơ hội cũng như những thách thức để cộng đồng DN có thể vững tâm chuẩn bị. Những tín hiệu sáng như xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh; Việt Nam đã vượt qua giai đoạn “đỉnh dịch” nhờ chiến dịch phủ xanh vắc xin “thần tốc”; các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong cải cách và gia tăng đầu tư công…