Mục tiêu tăng thu nhập gấp rưỡi vẫn là thách thức

Đường qua thôn Đại Áng được bê tông hóa. Ảnh: Minh Tuấn
Đường qua thôn Đại Áng được bê tông hóa. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Hà Nội đang và sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, yêu cầu nâng cao thu nhập cho nông dân lên gấp 1,5 lần so với thu nhập trung bình đang là thách thức lớn.

> Tập huấn xây dựng nông thôn mới

Đường qua thôn Đại Áng được bê tông hóa. Ảnh: Minh Tuấn
Đường qua thôn Đại Áng được bê tông hóa. Ảnh: Minh Tuấn.
 

Bữa ăn ít thay đổi

Về Đại Áng (Thanh Trì) nơi đang thực hiện mô hình nông thôn mới những ngày này thấy nhiều đổi thay. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ở đây được hình thành. Riêng giai đoạn đầu, trên 34 tỷ đồng ngân sách đã đầu tư cho nhiều công trình hạ tầng của xã. Tuy nhiên, nhiều người dân cho hay, cuộc sống của họ vẫn còn rất khó khăn.

Một nông dân nhà ở đầu thôn Đại Áng cho biết, gia đình ông có 3 người nhưng cũng chỉ có 3 sào ruộng với tổng thu một vụ cũng chỉ đạt 1,5 tạ lúa/sào. Nếu trừ đi kinh phí đầu tư cày bừa, cấy hái, phân, giống, chăm bón...thì lời lãi chẳng đáng bao. “Nguồn sống từ ruộng đồng quá thấp nên gia đình phải đi làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập”-đại diện một gia đình nói.

Đời sống sinh hoạt, bữa ăn của người dân Đại Áng chậm được cải thiện. Nhiều lao động bỏ ruộng đồng đi làm thuê khắp nơi. “Hầu hết những người mới xây được nhà đều nhờ bán đất cả. Trông vào đồng ruộng thì không biết khi nào mới xây được nhà. Tuy nhiên, nếu gom đất làm dự án sinh thái, hồ câu thì người dân thất nghiệp không biết làm gì cho nên muốn cải thiện đời sống người dân rất cần có nghề phụ”-một người dân Đại Áng nói.

Ông Trương Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, yêu cầu nâng cao mức thu nhập cho người dân là tiêu chí rất khó thực hiện. Sau hơn 1 năm triển khai đầu tư, thu nhập trung bình theo đầu người tại xã mới đạt gần 1,2 triệu đồng/người/tháng, tương đương thu nhập trung bình của dân tại huyện Thanh Trì. Trong khi đó, tiêu chí thu nhập đối với nông dân nơi thực hiện mô hình phải đạt 1,5 lần mức thu nhập trung bình tại
địa phương.

Cũng theo ông Quân, nâng cao thu nhập khó thực hiện, vì đa số lao động chưa qua đào tạo, địa bàn ít doanh nghiệp đứng chân và cơ cấu ngành nghề chuyển đổi rất chậm.

Nguy cơ đói vốn, dự án treo

Theo kế hoạch, riêng xã Đại Áng để đáp ứng 19 tiêu chí cần có 264 tỷ đồng đầu tư. Trong đó dành 80% vốn cho hạ tầng. Nhưng theo UBND xã Đại Áng thì đến nay xã mới nhận được khoảng 34 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách thành phố và huyện, cộng với huy động dân đóng góp tiền mặt khoảng 1 tỷ đồng.

“Hiện còn thiếu trên hai trăm tỷ đồng vốn đầu tư. Rất nhiều công trình, dự án đang chờ vốn. Kinh phí đều trông cả vào khoản thu từ đấu giá đất xen kẹt trong khu dân cư nhưng khổ nỗi để đấu giá được còn rất nhiều thủ tục phức tạp, mất thời gian. Đó là chưa nói đến năng lực cán bộ xã còn rất yếu về đầu tư xây dựng, quản lý dự án” - ông Trần Quốc Oai - Chủ tịch UBND xã Đại Áng lo ngại.

Cũng theo ông Oai, có những khu đất làm thủ tục đấu giá từ năm 2009 đến nay vẫn chưa xong. Với những khu đất mới thì đành chờ chỉ giới đường đỏ và nhiều thủ tục khác. “Xã đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, điện, đường giao thông, chợ, trung tâm thể thao...nhưng không mấy ai mặn mà”- ông Trương Hồng Quân nói.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã triển khai mô hình điểm theo chỉ đạo của Trung ương tại bốn xã gồm Thuỵ Hương (Chương Mỹ), Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) với tổng vốn cần đầu tư lên tới trên 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố cũng đã phê duyệt danh sách 15 xã khác trên địa bàn để xây dựng mô hình điểm của các huyện, thị xã với giá trị đầu tư lên tới 3.404 tỷ đồng. Mặc dù theo yêu cầu nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và người dân phải chiếm đa số mới quyết định sự thành công của chương trình nhưng đến nay có tới 90% vốn đầu tư vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước...

Đường đẹp mà bụng đói thì có nghĩa gì !

Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: Cán bộ cấp xã vừa yếu, vừa thiếu. Yêu cầu dân đóng góp rất khó. Trong 3-4 năm vừa rồi, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn quá ít, chỉ chiếm 1,5 đến 2% tổng đầu tư.

Mục tiêu lớn nhất của chương trình là nâng cao đời sống và thu nhập của người nông dân. Để làm được không cách nào khác là phải quy hoạch lại, dồn điền đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tiêu chí chung là người dân nằm trong chương trình phải đạt thu nhập bằng 1,5 lần so với trung bình, nhưng với Hà Nội mục tiêu này phải điều chỉnh lại, vì khoảng cách thu nhập giữa nội và ngoại thành rất cao. Nếu đạt 1,5 lần khu vực nông thôn thì mới khả thi.

Bất hợp lý hiện nay là tỷ lệ vốn đầu tư hạ tầng quá lớn chiếm đến 80% trong khi yêu cầu về đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất, tuyên truyền, thương hiệu, công nghệ mới lại ít quá. Nông thôn mới không phải chỉ có nhà văn hóa đẹp, đường đẹp. Đường đẹp mà dân bụng đói thì có ý nghĩa gì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG