Mua nước sạch sông Đuống: Dân gánh hộ doanh nghiệp lãi vay 2.000 đồng/m3

Giá nước từ Nhà máy nước sông Đuống bán cho dân tối đa 10.000 đồng/m3 ảnh: Mạnh Thắng
Giá nước từ Nhà máy nước sông Đuống bán cho dân tối đa 10.000 đồng/m3 ảnh: Mạnh Thắng
TP - Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nhà đầu tư dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng, tính giá nước thì chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào trong giá nước.

Chiều 12/11, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Võ Tuấn Anh cho hay, Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Ông Võ Tuấn Anh cho biết thêm, quy trình đầu tư của thành phố rất bài bản, không phải nhà đầu tư trình sao thì làm thế. Quyết toán xong sẽ có kiểm toán độc lập kiểm tra, giám sát. “Trước, trong và sau quá trình đầu tư đều có kiểm tra giám sát, chất lượng đầu tư nhà máy nước sông Đuống sẽ được đảm bảo”, ông khẳng định. 

Lý do giá nước sông Đuống cao hơn sông Đà

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của Công ty Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, khẳng định, thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Ông Hà lý giải về ý kiến cho rằng giá nước sạch sông Đuống cao hơn nhiều so với nước sạch sông Đà. Theo ông Hà, nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có rất nhiều yếu tố khác nhau.

Ông Hà cho rằng công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư của nhà máy khác nhau. Ví dụ tại thời điểm nhà máy sông Đà đi vào hoạt động năm 2009 thì giá tài sản đưa vào để tính khấu hao của nhà máy là 1.555 tỷ đồng, nhưng công nghệ và giá đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống trong quyết định phê duyệt đầu tư của thành phố được xác định là 4.998 tỷ đồng.

“Ở đây rõ ràng là quy mô đầu tư và suất đầu tư khác nhau. Mặt khác, chất lượng của nguồn nước thô vào khác nhau. Chất lượng nước sông Đà khác, của sông Đuống khác”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết, lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Nhà đầu tư  dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay sẽ phải được tính vào trong giá nước.

Ở đây, chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong quá trình thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay Cty phải trả hằng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.

“Theo báo cáo của Cty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, đến thời điểm này, phía Cty sông Đà không phải trả phần lãi vay, nên giá có sự chênh lệch.

Ông Hà cho rằng, trách nhiệm của Sở Tài chính là phải thẩm định giá, làm sao tính đúng, tính đủ, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và của Nhà nước. “Đấy là nguyên tắc chúng tôi vẫn luôn xác định. Do vậy, khi chúng ta xác định giá thành của bất cứ một sản phẩm nào của đơn vị nào thì đều phải có căn cứ để thuyết phục và khi trình lên thành phố, nếu chúng tôi không có căn cứ thì cũng không được phê duyệt”, ông Hà khẳng định.

Hà Nội ưu ái Cty Nước mặt sông Đuống?

“Việc Hà Nội đề xuất mua nước sạch sông Đuống giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch. Thứ nhất, Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận biết về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa 10.000 đồng/m3. Thứ hai, cũng là tư nhân nhưng vì sao giá nước sông Đà chỉ có hơn 7.000 đồng/m3 đã có lãi, mà sông Đuống lại cao hơn? Có ưu ái gì ở đây không? Còn nếu nói sông Đuống “sạch” hơn nên giá phải cao hơn sông Đà thì dựa trên căn cứ nào? Tất cả những cái này, Hà Nội phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, chứ không thể chung chung được”.  Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu vấn đề.

Chưa nghiệm thu đã bán nước

Trước lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Tuy vậy, ngày 5/9, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.

MỚI - NÓNG