Doanh nghiệp than lỗ trăm tỷ vì giá nước sông Đuống

Doanh nghiệp than lỗ trăm tỷ vì giá nước sông Đuống
TPO - Cả 2 đơn vị “phải mua” nước từ Công ty sông Đuống đều cho rằng không đủ nguồn lực tài chính để mua nước. Đồng thời đề xuất UBND thành phố Hà Nội có phương án bù lỗ với số lượng nước mua từ Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Những ưu ái đặc biệt

Từ trước khi Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản 3310 ngày 6/7/2017 chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính (tối đa khoảng 18.000 đồng/m3).

"Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện", văn bản do Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký nêu.

Từ quy định giá tạm tính 10.246 đồng/m3 nước, sau khi Nhà máy nước mặt Sông Đuống hoàn thành phân kỳ 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm, cuối năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống) đã gửi các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn Hà Nội giá bán nước sạch của mình bằng giá tạm tính là 10.246 đồng/m3.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cả 2 đơn vị nước sạch là Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cho rằng không đủ nguồn lực tài chính để mua nước với giá trên.

Giá nước Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Còn nếu tính tỉ lệ thu tiền nước chỉ đạt 81%, giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3.

Doanh nghiệp than lỗ trăm tỷ vì giá nước sông Đuống ảnh 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo tính toán của Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019 của Công ty  từ sản xuất kinh doanh nước sạch là 216 tỷ đồng. Khi mua nước sông Đuống thì “lỗ” hơn 192 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội "lỗ" gần 60 tỉ đồng/năm khi mua hơn 8 triệu m3 một năm nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Công ty nước sạch số 2 cho rằng, nếu phải mua nước giá trên thì Công ty không thể đảm bảo được nguồn tài chính, trả lương, bảo hiểm cho người lao động, thanh toán các chi phí điện, hóa chất, nộp thuế và các khoản chi phí khác phục vụ sản xuất kinh doanh.

Lấy ngân sách bù giá gần 200 tỷ cho tư nhân

Để tháo gỡ những khó khăn của 2 đơn vị bán lẻ nước sạch, liên ngành Tài chính - xây dựng đã họp và đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3.

Ngoài ra, liên ngành thành phố Hà Nội còn đề xuất phương án cấp bù "phần thua lỗ" của hai đơn vị mua nước của Công ty nước mặt Sông Đuống cũng như cho chính công ty này.

Trên cơ sở số liệu ghi nhận và tính toán chi phí lưu thông nước của các đơn vị, liên ngành tài chính - xây dựng thống nhất đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán cho Công ty nước mặt Sông Đuống với giá hơn 8.800 đồng/m3 nước bán ra.

Như vậy, với giá nước thực bán cho hai nhà máy nước sạch Hà Nội của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 7.700 đồng/m3, liên ngành đề xuất UBND Thành phố Hà Nội cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho các đơn vị trong năm 2019 tổng số tiền gần 200 tỉ đồng.

Sau kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019 Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về việc chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành.

Chưa nghiệm thu đã bán nước

Trước lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo đại diện Cục Giám định, qua một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư.

Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Tuy vậy, ngày 5/9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...