Một tuần cận kề cướp biển

TP - Đầu những năm 2000, ngành vận tải biển Việt Nam đang trên những bước phát triển, thị phần vận tải biển quốc tế ngày càng tăng, nhưng những sự nhũng nhiễu của một số không ít cá nhân thuộc các lực lượng quản lý, giám sát, hỗ trợ... tàu thuyền xuất nhập cảnh như những tảng “đá ngầm”, những “sóng dữ” phần nào làm cản tốc độ phát triển, gây bức xúc cho ngành hàng hải, cũng như dư luận.

Đang thường trú tại Hải Phòng, “nóng mắt”, tôi đề xuất và nhanh chóng được Tổng Biên tập Dương Xuân Nam ký các văn bản báo cáo xin phép Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (hiện là Ban Tuyên giáo Trung ương), và sau một thời gian làm các thủ tục theo quy định, tôi “biến hình” thành một thuỷ thủ tàu viễn dương, được cấp hộ chiếu thuyền viên, cùng một bạn đồng nghiệp, (hiện là Tổng Biên tập báo Xây Dựng) xách va li lên tàu với vai quản trị, và tập sự quản trị tàu.

Một tuần cận kề cướp biển ảnh 1
Tác giả: Vũ Tiến, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong

Giữa đêm đông, tàu công ten nơ Mê Linh trọng tải gần 12 nghìn tấn, thuộc loại tàu viễn dương lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, hú còi vang chào bờ, rời cảng Hải Phòng, đưa chúng tôi vào vùng biển quốc tế… Đang gió mùa đông bắc nên càng đi, những cơn sóng quần đảo khiến tôi vốn từng khá nhiều lần ra nhiều đảo tiền tiêu xa nhưng cũng lử người vì muốn say sóng, nhưng cũng còn đủ tỉnh táo để thu thập thông tin mắt thấy tai nghe về những bất ổn thủ tục trong hải trình xuất cảnh. Toàn bộ thủy thủ không biết tôi là nhà báo, nhưng biết không phải là thủy thủ “xịn” và họ nghi tôi là cảnh sát kinh tế cài xuống tàu để chống buôn lậu. Việc ai nấy làm, tôi cứ sáp vào để hiểu hơn về công việc của thủy thủ.

Mấy ngày trôi qua, tàu đi càng gần về xích đạo, trời nắng ấm, biển êm dần, tôi mừng thầm vì nghĩ đến những ngày yên bình giữa biển khơi, nào ngờ một buổi sáng, theo thói quen khi ngủ dậy, tôi lên cabin cùng thuyền trưởng Trần Văn Thìn, thấy anh đăm chiêu cầm bản fax và ánh mắt không giấu nổi vẻ lo lắng. Gặng mãi anh mới cho xem bản fax từ hiệp hội chủ tàu, từ các trung tâm thông tin an ninh hàng hải cho các tàu, thông báo về đêm qua tại vùng biển quốc tế gần đó, một tàu hàng bị cướp biển tấn công, bắt toàn bộ thuỷ thủ lên 1 hòn đảo hoang, cướp tàu hàng, 1 thuỷ thủ chống cự bị chúng bắn bị thương…

Một tuần cận kề cướp biển ảnh 2

Hai “thuỷ thủ” trong phòng ngủ trên tàu Mê Linh

Liên tiếp cả tuần sau đó, ngày nào chiếc máy fax cũng lạnh lùng đẩy ra vài bản tin về một hoặc vài vụ cướp biển tấn công tàu hàng các nước, một vài thuỷ thủ bị thương…

Thời điểm đó, một nước Đông Nam Á có những bất ổn về chính trị, nên cướp biển vùng biển Đông Nam Á vốn manh động, nguy hiểm càng có dịp hoành hành khắp vùng biển mà không bị nghiêm trị. Bọn cướp dùng vũ khí quân dụng hiện đại, có cả súng tiểu liên cực nhanh, súng máy, lựu đạn, súng phóng lựu, ống phóng rocket… , thường đi trên những tàu cao tốc, lợi dụng đêm tối, bất ngờ chớp nhoáng tấn công nhiều tàu đi qua vùng biển đó, cướp tài sản thuyền viên, thậm chí cướp cả hàng, cả tàu…

Vùng eo biển Malacca, nhất là vùng lãnh hải Indonesia vẫn là vùng biển nguy hiểm nhất. Theo thống kê của Văn phòng cơ quan hàng hải quốc tế (IMB), năm 1994, tại Malacca chỉ xảy ra 25 vụ cướp biển thì đến năm 2000, con số này lên đến 220 vụ, mức cao nhất cho đến nay...

Thuyền trưởng Thìn cho biết, hành trình của Mê Linh bắt buộc tiệm cận những vùng nguy hiểm đó. Do tàu hàng thương mại không được phép trang bị súng và vũ khí quân dụng, anh hướng dẫn các thuỷ thủ cách sử dụng vòi rồng cứu hoả để tự vệ nếu ban đêm bị cướp biển đột nhập, tấn công tàu… khiến chúng tôi không khỏi lo lắng và nhiều đêm mất ngủ, có phần căng thẳng… Nhưng rồi công việc cứ cuốn đi, đêm đêm các thủy thủ vẫn thay nhau tuần gác những vị trí xung yếu quanh tàu để cảnh giới...

Một tuần cận kề cướp biển ảnh 3

Thuyền trưởng Trần Văn Thìn (áo đen)

Những ngày nặng nề đó trôi qua thật chậm, may sao tàu cũng đã trả hàng và nhận hàng quay về bình an. Những khó khăn “hành là chính” cùng không ít nhũng nhiễu với những con tàu viễn dương tại các cảng trong nước lại được chúng tôi thu thập và đối chiếu với cách làm của các nước bạn khi tàu Mê Linh ghé qua trả hàng...

Phóng sự 3 kỳ của tôi đăng báo Tiền Phong về những điều mắt thấy tai nghe trên hải trình đã góp một tiếng nói cảnh tỉnh và góp phần thúc đẩy quá trình các cơ quan quản lý siết chặt, chấn chỉnh, một thời gian ngắn sau đó, trả lại sự thông thoáng cho những con tàu viễn dương vươn ra biển xa, góp phần làm nên những bước tăng trưởng mạnh của hàng hải Việt Nam những năm trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế cả khu vực hồi 2008.

Một tuần cận kề cướp biển ảnh 4Một tuần cận kề cướp biển ảnh 5

Tấm hộ chiếu thuyền viên ngày ấy giờ vẫn được lưu giữ

Rời tàu Mê Linh lên bờ, tôi được Ban Biên tập điều động về Ban Thư ký Toà soạn để toà báo bắt đầu xuất bản báo hàng ngày, rồi sau đó chuyển dần lên làm quản lý, không có dịp được quay lại “nhập vai thủy thủ” đi cùng Mê Linh, nhưng suốt hơn một tuần “cận kề cướp biển” đó luôn là kỷ niệm khó quên nhất trong suốt 37 năm làm báo của tôi, mỗi đêm đi qua gần cảng, nghe còi tàu chào bờ vang vang lại cồn cào nhớ Mê Linh, nhớ biển xa, nhớ cả những đêm trằn trọc lo cướp biển…

Thuyền trưởng Thìn cho biết, hành trình của Mê Linh bắt buộc tiệm cận những vùng nguy hiểm đó. Do tàu hàng thương mại không được phép trang bị súng và vũ khí quân dụng, anh hướng dẫn các thuỷ thủ cách sử dụng vòi rồng cứu hoả để tự vệ nếu ban đêm bị cướp biển đột nhập, tấn công tàu… khiến chúng tôi không khỏi lo lắng và nhiều đêm mất ngủ, có phần căng thẳng…

Tin liên quan