Trong đội ngũ tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 16/11/2023 tới đây sẽ tròn 70 năm báo Tiền Phong ra số đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc, bắt đầu lịch sử vẻ vang của mình. Từ bấy đến nay, tờ báo của Đoàn Thanh niên, diễn đàn của tuổi trẻ cả nước luôn trong đội ngũ tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ số báo này trở đi, Toà soạn sẽ điểm lại những chặng đường vẻ vang với những dấu ấn đáng tự hào của mình.

Kỳ 1: Ra đời trong kháng chiến và từng bước trưởng thành trong xây dựng hòa bình

Trong đội ngũ tiên phong ảnh 1

Ảnh các cán bộ báo Tiền Phong và T.Ư Đoàn với thiếu niên địa phương (khoảng năm 1954). Từ phải sang: Nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tôn Đức Lượng (đội mũ), ông Thành (người mặc áo tối màu, đội mũ) - Nhân viên đánh máy cơ quan Trung ương Đoàn vẫn đánh máy bản thảo cho báo Tiền Phong, biên tập viên Lê Quân, liên lạc Mai Văn Hậu; nhân viên Tôn Sơn (đội mũ)

1. Những ấn phẩm tiền thân của báo Tiền Phong

Trước báo Tiền Phong, các tổ chức Thanh niên cách mạng tiền thân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những tờ báo sau:

Báo Hồn nước - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc, xuất bản bí mật trước năm 1945 và một giai đoạn sau tháng 8/1945.

Báo Xung Phong, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc xuất bản từ tháng 6 năm 1947 tại Bắc Kạn. Báo ngừng in tháng 10/1947 do cuộc tiến công lên Việt Bắc của quân Pháp.

Báo Sức Trẻ, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc xuất bản từ đầu năm 1949, nhưng chỉ ra được khoảng hơn 10 số thì phải dừng vì xưởng in bị cháy.

Tạp chí Tiền Phong – tạp chí của Đoàn Thanh niên cứu quốc xuất bản đầu những năm 50.

2. Sự ra đời của Tiền Phong

Nửa cuối năm 1953, T.Ư Đoàn quyết định phải có cơ quan ngôn luận, diễn đàn của tuổi trẻ và ra báo. Tài chính để ra báo T.Ư Đoàn tổ chức vận động đoàn viên thanh niên các địa phương đóng góp, trong vài tháng đã góp được vài triệu đồng lúc đó. Cơ quan báo được thành lập gồm 6 người và đóng ngay trong Cơ quan T.Ư Đoàn lúc đó đứng chân tại Bản Dõn, xã Thanh La, nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Báo ra 4 trang, 2 tháng 1 kỳ. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam làm chủ nhiệm chính trị (Tổng Biên tập), ông Nguyễn Thanh Dương làm Trưởng ban báo (Thư ký toà soạn).

Toàn bộ nội dung cùng ma két được làm xong cuối tháng 10/1953 để đưa đi nhà in cách Toà soạn 60-70 km đường rừng. Chiều 15/11/1953, người liên lạc là Mai Nam (sau thành một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng) đưa báo về đến cơ quan để hôm sau chính thức phát hành.

3. Một số dấu ấn trong gần 1 năm ở Việt Bắc

Xã luận “Thà chết không chịu đi lính cho địch”, “Thư Bác Hồ gửi thanh niên Pháp” đăng ngay trên số 1 cho thấy số báo đầu tiên dành nhiều chú ý cho việc vận động thanh niên hai nước Việt Pháp không đi lính cho Pháp; Số 1 cũng có thông tin về Festival Thanh niên Sinh viên thế giới năm 1953 vừa được tổ chức tại Bucarest – Rumani với sự tham gia của Đoàn Việt Nam. Cũng nhờ Đoàn đại biểu ta dự Festival mang về một số bản kẽm để có thể in ảnh mà số 1 báo Tiền Phong được coi là số báo hiếm hoi của ta in ở Việt Bắc có in ảnh. Bác Hồ đã khen báo đẹp.

Trong thời gian 1 năm đầu tiên đó, Tiền Phong đã in loạt 4 bài về một thanh niên nông thôn điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho phong trào cách mạng của nông dân Phú Thọ tên là Trần Bình Lục. Nhân vật này được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lấy làm nguyên mẫu để viết “Truyện anh Lục”.

Trong đội ngũ tiên phong ảnh 2
Thanh niên đọc báo Tiền Phong năm 1960

Tháng 7/1954, phóng viên Tiền Phong tác nghiệp tại Hội nghị quân sự Việt - Pháp tại Trung Giã (tỉnh Phúc Yên, nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội) cùng với các nhà báo đàn anh thuộc Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Cứu Quốc và nhiều nhà báo thuộc các hãng thông tấn, báo lớn trên thế giới. Tại đây theo chủ trương của trên, PV Tiền Phong Nguyễn Thanh Dương đã chuyển cho một PV người Phần Lan những tấm ảnh do các nhà nhiếp ảnh của ta chụp tại chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là những tấm ảnh chụp quân Pháp đầu hàng (lúc đó không có phóng viên phương Tây nào có mặt để chụp). Đó nằm trong số những tấm ảnh đầu tiên về thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ được phổ biến ra toàn thế giới.

4. Những năm tháng hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng hoà bình ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Số báo Tiền Phong đầu tiên in ở Thủ đô Hà Nội là số 18, in tại Nhà in Lê Cường ở số 75 Hàng Bồ.

Giai đoạn xây dựng hoà bình trên miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước:

Từ số 122 ra ngày 3/10/1956, Tiền Phong bắt đầu ra 2 kỳ/tuần và mở diễn đàn “Tiến tới đại hội” chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Thanh niên và Đại hội toàn quốc của Đoàn Thanh niên Cứu quốc lần thứ 2. Báo cũng mở cuộc “Vận động viết về đề tài yêu nước, yêu lao động, yêu nhân dân”, kết quả thu được 1010 bài thơ, truyện ngắn của thanh niên.

Trong đội ngũ tiên phong ảnh 3
Ảnh chụp trang 1 số 1 báo Tiền Phong, 16/11/1953

Giai đoạn 1958 – 1960, báo tập trung phản ánh không khí lao động sôi nổi trong phong trào hợp tác hoá ở nông thôn, trên các công trường lớn như công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, Khu Gang thép Thái Nguyên; tinh thần chống Mỹ- Diệm đặc biệt qua vụ chúng đầu độc tù chính trị ở Phú Lợi. Đầu năm 1959, Tiền Phong bắt đầu ra 3 kỳ/tuần. Năm 1958, có cuộc tranh luận trên Tiền Phong với báo chí Sài Gòn về “mẫu người lý tưởng”. Giai đoạn này có nhiều bài báo, nhiều cuộc thảo luận về cách sống, lựa chọn con đường đi, về lý tưởng XHCN có tính giáo khoa. Báo tham gia mạnh mẽ vận động xoá nạn mù chữ.

Giai đoạn 1958 - 1960 có nhiều diễn đàn thảo luận sôi nổi trên Tiền Phong, trong đó có cuộc thảo luận “Đi theo con đường nào?” - xung quanh lựa chọn con đường làm ăn cá thể hay vào hợp tác xã trong cuộc vận động Hợp tác hoá nông nghiệp hay cuộc thảo luận “Tuổi trẻ và ước mơ” bàn về việc tuổi trẻ mơ ước có mâu thuẫn gì với tinh thần “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần” không? Bài tổng kết dài 4 kỳ đăng báo được NXB Thanh Niên xuất bản thành sách mỏng “Tuổi trẻ và ước mơ”, phổ biến rộng rãi.

Những năm 60, báo phản ánh nhiều điển hình tiên tiến tạo dấu ấn cho phong trào thi đua của tuổi trẻ. Tiền Phong tuyên truyền mạnh việc T.Ư Đoàn phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Tam Hưng (Hà Đông, làm thuỷ lợi tốt) và Đội thăm dò địa chất số 8 (điển hình tiên tiến toàn quốc về tổ chức tốt lao động, nhiều sáng kiến), được Tiền Phong tuyên truyền mạnh.

Trong đội ngũ tiên phong ảnh 4
Phóng viên báo Tiền Phong Mai Cát đang tác nghiệp ở một làng quê để viết về phong trào hợp tác

Báo cũng mở cuộc thi “Niềm vui sướng nhất” (khoảng 1960 – 1961) viết về những hành động của bạn trẻ khiến mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân, thu được 1.178 bài viết của 1.145 tác giả. Trong đó riêng nữ sinh 17 tuổi trường Trưng Vương, Hà Nội- Dương Thị Xuân Quý tham gia 6 bài. Sau chị trở thành nhà văn, đi chiến trường và hy sinh anh dũng ở Quảng Nam.

Báo Tiền Phong số ra ngày 5/12/1962 giới thiệu sáng kiến tổ chức các đội chuyên làm thủy lợi theo sáng kiến của Thanh niên xã Hồng Thái, tỉnh Hải Dương. Ngay sau khi báo ra, Bộ Thủy lợi lập tức ủng hộ; Bác Hồ viết bài biểu dương dưới bút danh T.L và kêu gọi các nơi học tập.

Năm 1962, chi đoàn Mộc, Nhà máy Dệt 8-3 có sáng kiến tiết kiệm nguyên vật liệu với tên “Làm gọn, dọn sạch, tiết kiệm nguyên vật liệu”. Tiền Phong đăng bức thư của bí thư chi đoàn Mộc về việc này và kêu gọi các nơi làm theo, được hưởng ứng rộng rãi trên nhiều công trường, nhất là Khu gang thép Thái Nguyên. T.Ư Đoàn đã từ đó phát động phong trào thi đua “Tiết kiệm trong sản xuất và trong tiêu dùng”.

Đặc biệt, trong những năm tháng đầu tiên này, báo Tiền Phong đã bắt đầu truyền thống báo chí điều tra, chống tiêu cực. Phóng sự điều tra của PV Tiền Phong Hoàng Phong “Núi gỗ trên đồi 39” (Tiền Phong số 852) phát hiện hàng trăm mét khối gỗ bị bỏ mục phí trên đồi 39 trên Khu gang thép Thái Nguyên trong điều kiện gỗ đang thiếu nghiêm trọng trên công trường đã gây chấn động. Đoàn thanh tra của Chính phủ vừa rời công trường đã phải lên đường quay trở lại.

Cuối năm 1962, mở cuộc điều tra nguyên nhân chất lượng các động cơ do nhà máy Điện Cơ sản xuất ra quá thấp, năm 1963 điều tra nguyên nhân chất lượng xe đạp Thống Nhất kém (với sự tham gia của các kỹ sư am hiểu cơ khí).

Những năm 60, báo Tiền Phong tích cực tổ chức sinh hoạt tư tưởng trên diện rộng. Đó là cuộc thảo luận về động cơ vào Đảng trên chuyên mục “Alô! Tiền Phong đây”. Tiêu biểu nhất là dịp kỷ niệm 33 năm thành lập Đảng (2/1963), Chi đoàn thuộc Chi cục Tổng vụ, Tổng cục Đường sắt phản ánh hiện tượng người vào Đảng có động cơ rất khác nhau, một số người do vụ lợi là chính. Tiền Phong đăng toàn văn bức thư đồng thời nêu vấn đề thảo luận: Vào Đảng để làm gì? Phấn đấu vào Đảng như thế nào? Trong vòng 2 tháng nhận được hàng trăm ý kiến. Tổng kết cuộc thảo luận trên Tiền Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Quang đã mời UV Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ nói chuyện với 1.000 ĐVTN Hà Nội về mục đích chiến đấu và lý tưởng của Đảng, ĐVTN nên phấn đấu vào Đảng như thế nào. Bài phát biểu của đồng chí được NXB Thanh niên in thành tài liệu học tập cho tất cả các chi đoàn toàn quốc.

Giai đoạn này, báo Tiền Phong cũng rất tích cực nêu các tấm gương sáng để thanh niên học tập mà nhiều bài báo ghi dấu ấn nhất là dịp anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (13/10/1964).

Báo còn rất năng nổ và kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của thanh niên, tiêu biểu là xuất phát từ một trường hợp cụ thể ở một địa phương, tỉ lệ thanh niên trong việc bình bầu thi đua, tiên tiến chỉ đạt 13%, báo đã ra bài xã luận “Trong việc bình bầu chiến sĩ thi đua nông nghiệp có sự đánh giá không đúng về thanh niên” (TP số 854), kết quả là tỉ lệ chiến sĩ thi đua nông nghiệp là thanh niên trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tăng lên rõ rệt, đến 142 người trong tổng số 301 đại biểu nông nghiệp.

Tiền Phong số 882 đăng phóng sự điều tra “Lãng phí lớn trong việc sử dụng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp” nêu hiện tượng Vĩnh Phú có tới 80 % cán bộ kỹ thuật được đào tạo không được sử dụng, gây tiếng vang lớn. Nhiều địa phương nhìn lại công tác này ở nơi mình. Vĩnh Phú cũng tích cực sửa sai.

Tiêu biểu trong những bài báo bảo vệ quyền lợi của thanh niên là vào khoảng đầu năm 1964, giáo viên- bí thư chi đoàn Vũ Văn Hải bị hiệu trưởng trường tiểu học ở Hàng Kênh Hải Phòng trù dập, buộc thôi việc, báo Tiền Phong đã vào cuộc điều tra và đăng bài “Phí lý và phi pháp”. Sau đó, thày Hải được trở lại nghề dạy học, được trả lương những tháng bị buộc thôi việc vô lý.

(Còn nữa)

(Biên soạn theo hồi ký “Một thời và mãi mãi” của nhà báo Nguyễn Thanh Dương, người là Thư ký toà soạn đầu tiên của báo Tiền Phong và là Tổng biên tập báo một giai đoạn dài)

Trong đội ngũ tiên phong ảnh 5
MỚI - NÓNG