Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 sẽ hoàn thành trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài “Phòng chống lãng phí - nóng trên, lạnh dưới”, trong đó đề cập đến cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) chậm tiến độ, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho biết, các bên đang nỗ lực để 2 dự án hoàn thành nhanh nhất trong năm 2024.

Ông có thể cho biết tiến độ triển khai 2 dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến nay ra sao?

Cả 2 dự án được khởi động vào ngày 24/2/2015, chính thức thi công tháng 5/2015, dự kiến hoàn thành vào 31/12/2020. Tuy nhiên do gặp khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện, nên từ giữa năm 2020 cả 2 dự án bị đình hoãn chưa triển khai được.

Đến nay, Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai có khối lượng thi công xây lắp và thiết bị gắn với công trình ước tính đạt 2.795 tỷ đồng/2.855 tỷ đồng giá trị hợp đồng đã kí (đạt khoảng 97,8% giá trị hợp đồng). Tổng giá trị đã giải ngân: 2.575 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng (đạt 57,2% tổng nguồn vốn được giao).

Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có khối lượng thi công xây lắp và thiết bị gắn với công trình ước tính đạt 2.470 tỷ đồng/2.862 tỷ đồng giá trị hợp đồng đã kí (đạt khoảng 86,3% giá trị hợp đồng). Tổng giá trị đã giải ngân: 2.507 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng (đạt 55,7% tổng nguồn vốn được giao).

Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 sẽ hoàn thành trong năm 2024 ảnh 1

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam)

Nguyên nhân nào làm chậm tiến độ dự án, thưa ông?

Hai dự án theo đề án 125 đặt ra kế hoạch tiến độ 2-3 năm là rất khẩn trương và khó khăn thực hiện vì thực tế khối lượng công việc thực hiện lớn, đòi hỏi thời gian thực hiện từ lúc chuẩn bị đầu tư, khởi công và hoàn thành thường là 5-7 năm. Đây là dự án có quy mô lớn, tuy nhiên thời gian thiết kế và công tác chuẩn bị dự án ngắn, có nhiều thay đổi theo nhu cầu sử dụng nên thiết kế phải thay đổi điều chỉnh nhiều dẫn đến công tác thiết kế bị chậm. Ngoài ra, công tác thẩm định, phê duyệt bị kéo dài.

Năm 2020, 2021, 2022, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, cộng với cuộc khủng hoảng do xung đột tại Nga-Ucraina dẫn đến cắt đứt chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tháo gỡ khó khăn và triển khai dự án, tiếp tục làm chậm tiến độ dự án. Do thay đổi hạn mức cấp vốn đầu tư trong từng giai đoạn nên phải điều chỉnh thiết kế của dự án (trước năm 2019 là 4.050 tỷ/dự án, sau năm 2019 là 4500 tỷ/dự án).

Về nguyên nhân chủ quan, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu căn cứ vào thiết kế cơ sở, khái toán tổng mức đầu tư, thuyết minh thiết kế cơ sở và được lập tổng hợp trên các mẫu hồ sơ mời thầu, vì vậy chưa chi tiết khối lượng xây dựng. Cách tính diện tích sàn trong hồ sơ thiết kế cơ sở của tư vấn chưa phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam; dự án chậm điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư.

Hợp đồng xây lắp kí kết giữa các bên không theo mô hình truyền thống, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, nhưng chưa có khối lượng chi tiết, dự toán chi tiết kèm theo, gây khó khăn trong việc điều chỉnh và thanh toán khối lượng hoàn thành.

Hiện nay, do việc điều chỉnh các hợp đồng và thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu còn vướng mắc, các nhà thầu đã dừng thi công tại hiện trường, dẫn đến dự án bị đình hoãn.

Vậy ông cho biết giải pháp tháo gỡ vướng mắc thời gian tới?

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác rà soát khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ để triển khai các công việc theo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đã có Văn bản số 2001/BYT-HTTB ngày 17/4/2024 gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lí dự án và điều chỉnh hợp đồng các gói thầu của 2 dự án. Ngày 12/6, Bộ Y tế đã nhận được văn bản số 3482/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lí dự án và điều chỉnh hợp đồng các gói thầu của 2 dự án. Bộ Y tế nghiên cứu văn bản của Bộ Xây dựng để thực hiện, đôn đốc các nhà thầu sớm triển khai thi công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp những nội dung vượt thẩm quyền làm cơ sở tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Cảm ơn ông.

Đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc

Liên quan đến cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức bị bỏ hoang sau 9 năm khởi công, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang phối hợp Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc như điều chỉnh thời hạn hợp đồng, những vấn đề chưa phù hợp để đảm bảo cơ sở pháp lí.

“Bộ Y tế đã mời Thủ tướng Chính phủ xuống thăm cơ sở 2 của hai bệnh viện này. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác do tôi làm tổ trưởng để giải quyết các vấn đề tồn đọng”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Y tế, thời gian qua, tổ công tác đã rà soát tất cả các quy định của pháp luật, thực trạng việc triển khai các bệnh viện này, các gói thầu. Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ để triển khai xây lắp đã đạt được mức độ rất cao, 80-90%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán các dự án này. Theo Bộ trưởng, phương án giải quyết đang được báo cáo các cấp có thẩm quyền. “Đây không phải là một việc dễ dàng, có những việc chúng ta chưa có quy định của pháp luật, vì thế cần báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định”, bà Lan cho hay.

Tổ công tác đã xây dựng phương án để báo cáo Chính phủ đề xuất các giải pháp, làm sao nhanh chóng đưa các bệnh viện này vào sử dụng. “Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các nhà thầu để thúc đẩy triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Chúng tôi liên tục có ý kiến với Bộ Xây dựng. Khi Bộ Xây dựng trả lời, chúng tôi sẽ bắt tay ngay cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đưa hai cơ sở vào hoạt động”, Bộ trưởng nói thêm.

Hà Minh

MỚI - NÓNG