Từ ngày 29/5 – 4/6/2023, con tàu KN290 chở hơn 200 Sinh viên Việt Nam ưu tú trong và ngoài nước đi thăm Trường Sa. Theo lời ông Lê Hải Bình - Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư “đây là chuyến tàu lịch sử”, lần đầu tiên đưa số lượng đại biểu sinh viên đông như vậy đến với Trường Sa.
Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục nhà trường, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tặng hoa các lãnh đạo đoàn hành trình. |
Trong chuyến hải trình đặc biệt đó, nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, mang đậm chất sinh viên lần đầu tiên được tổ chức tại huyện đảo Trường Sa, như: Giải chạy "Vì Trường Sa thân yêu", triển lãm mỹ thuật Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc; hành trình Bài ca sinh viên lần đầu tiên được cất lên từ Trường Sa; buổi nói chuyện chuyên đề: “Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới” trên con tàu KN290…
Giải chạy Vì Trường Sa thân yêu là một trong những hoạt động độc đáo, nhiều cảm xúc, lần đầu tiên được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức trong hải trình đặc biệt của chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2023, diễn ra tại đảo Trường Sa lớn (tỉnh Khánh Hoà).
Độc đáo của giải chạy là lần đầu tiên trên đường băng của đảo Trường Sa lớn, dưới trời cao, gió lộng, hơn 200 đại biểu cùng chạy bộ gây quỹ vì Trường Sa thân yêu. Mỗi km chạy bộ của vận động viên sẽ đóng góp 5.000 đồng với mức tối đa 50.000 đồng vào các công trình sinh viên, hoạt động hỗ trợ đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa cũng như Nhà giàn DK1. Với ý nghĩa đặc biệt đó, mặc dù trải qua hải trình dài ngày khá mệt, cùng với những cơn say sóng lắc lư nhưng tất cả đại biểu đều hào hứng vào đường đua sải những bước chân đầy tự hào trên vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bạn Dương Phạm Hữu Khuyến đến từ Hội Sinh viên tỉnh Kiên Giang chia sẻ, lần đầu tiên được chạy giữa đảo Trường Sa mang đến rất nhiều cảm xúc. “Trước khi chạy, tôi nằm dài trên đường băng, trải cả thân mình xuống đường băng, ngước mắt nhìn lên bầu trời bằng cảm nhận ấm áp của đường băng, hít thở không khí của Trường Sa, một cảm giác được ở chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thật là lâng lâng, rất tuyệt vời”, Hữu Khuyến xúc động nói. Dù mất khá nhiều sức lực nhưng Khuyến đã cố gắng hoàn thành đường chặng trong nụ cười tươi rói và đầy tự hào. Hữu Khuyến chia sẻ, bản thân sẽ lan tỏa những cảm xúc, tinh thần tự hào này đến với đông đảo thanh niên tỉnh Kiên Giang để các bạn nỗ lực, phấn đấu rèn luyện tốt tham gia thêm nhiều chuyến Hành trình ý nghĩa như thế này.
Còn bạn Nguyễn Thành Danh, đến từ Hội Sinh viên tỉnh Bình Định đã hét lên đầy vui sướng khi hoàn thành đường chạy tại đảo Trường Sa lớn. Thành Danh chia sẻ, bản thân từng tham gia nhiều giải chạy ở trường, chương trình Sinh viên khỏe, giải chạy do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, nhưng được chạy ở Trường Sa là một cảm xúc rất đặc biệt. “Chúng tôi, những sinh viên từ mọi miền Tổ quốc được chạy trên cùng đường băng với các chiến sĩ và các đại biểu được bước chạy cùng nhau, chung nhịp đập trái tim vì Trường Sa thân yêu. Đó là điều rất thiêng liêng và quý giá”, Danh chia sẻ.
Trong chuyến hải trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2023, chương trình nghệ thuật “Hành trình bài ca Sinh viên” lần đầu tiên cất lên Trường Sa. Đặc biệt hơn nữa, đây là chương trình khởi đầu cho sân chơi âm nhạc lớn nhất dành cho sinh viên Việt Nam, được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức trên toàn quốc nhằm chào mừng Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình hát bài “Nơi đảo xa” ở thị trấn Trường Sa |
Sân khấu biểu diễn của chương trình nghệ thuật được đặt dưới cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa lớn. Tham gia biểu diễn tại chương trình không chỉ có sinh viên, ca sĩ mà còn có Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình, các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và cả các em bé Trường Sa. Tất cả cùng hòa giọng “cháy” hết mình trong nhiều ca khúc ngợi ca biển đảo, Tổ quốc, như: “Khúc quân ca Trường Sa”, “Trường Sa đó là nhà”, “Việt Nam ơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Đảo xanh”, “Những trái tim Việt Nam”, “Quê em Trường Sa”...
Khi cầm micro để hát bài “Nơi đảo xa”, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Hải Bình giới thiệu: “Tôi xin gửi đến ca khúc rất đỗi quen thuộc đối với người lính đảo và mỗi người dân ở đảo , quen thuộc đến mức không muốn hát nữa nhưng ngày hôm nay thì cực kỳ phù hợp; bởi vì có ánh trăng, có hình ảnh người lính gác dưới trăng, có tiền tuyến, có hậu phương, có con tàu ra khơi và có những ánh mắt gửi gắm niềm tin ở những con tàu ra khơi đó”. Một sự trùng hợp thật đẹp khi chương trình văn nghệ diễn ra đúng đêm rằm tháng 4 trăng sáng vằng vặc. Dưới ánh trăng của bầu trời, biển đảo Trường Sa, những con người yêu biển đảo, yêu Tổ quốc cùng hòa vang trong từng lời ca điệu nhạc.
Trong suốt chương trình, gần như trong mọi tiết mục, mọi người đều cùng nhau hoà trong giai điệu, câu ca, tiếng hát, cùng nhau hoá thân thành nghệ sĩ trong những bài đồng diễn, bản đồng ca yêu Tổ quốc, yêu quê hương. Sân khấu của Hành trình bài ca sinh viên thực sự trở thành sân khấu của tất cả những ai hiện hữu trong buổi tối đặc biệt hôm ấy, không còn khoảng cách giữa khán giả và người biểu diễn.
Người dẫn chương trình là bạn Nguyễn Thị Châu Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM, Thủ lĩnh viên toàn quốc năm 2022. Châu Anh chia sẻ, mặc dù đã đứng trên rất nhiều sân khấu, trước trăm ngàn người, nhưng bản thân chưa bao giờ hồi hộp như lần đứng ở sân khấu Trường Sa. “Có lẽ vì sân khấu ấy quá đỗi đặc biệt, vì phía trước mình không là những khán giả đơn thuần. Họ là những người lính hải quân đầy mạnh mẽ, vững vàng trước biển”, Châu Anh nói.
Châu Anh chia sẻ, khi nhận được tin Ban Tổ chức mình được chọn làm người dẫn Chương trình “Hành trình bài ca sinh viên” tại Thị trấn Trường Sa, vừa vui mừng xen lẫn lo lắng. Vui mừng vì bản thân có cơ hội cùng mọi người làm nên chương trình văn nghệ thật ý nghĩa dành tặng cho các chiến sĩ nơi hải đảo, cùng mọi người tiếp thêm sức mạnh, động lực cho các anh. Lo lắng vì lần đầu tiên đứng trước những khán giả vô cùng đặc biệt, vì mong muốn truyền tải thật trọn vẹn những tình cảm, gửi gắm của Đoàn Công tác số 17 vào từng lời dẫn, từng câu chuyện sẻ chia trên sân khấu hôm ấy đến quân và dân nơi hải đảo.
“Khoảnh khắc ánh đèn sân khấu bừng sáng, trông thấy cờ Tổ quốc, cờ Hội Sinh viên Việt Nam bay phấp phới phía xa trong tình yêu thương của quân, dân ở đảo cùng các đại biểu từ đất liền, tôi tin rằng, đây chính là sân khấu đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình”, Châu Anh xúc động nói.
Thêm một chương trình nghệ thuật đặc biệt, có một không hai diễn ra trong chuyến hành nữa là chương trình giao lưu văn nghệ giữa đoàn hành trình với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Do điều kiện thời tiết không cho phép được trực tiếp lên nhà giàn thăm cán bộ, chiến sĩ nên ban tổ chức quyết định tổ chức một chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt trên boong tàu KN290.
Giữa mênh mông sóng nước Trường Sa, một chương trình nghệ thuật không có ban nhạc, không có sân khấu hoành tráng lấp lánh ánh đèn, micro được thay bằng bộ đàm, sân khấu là boong tàu. Thông qua bộ đàm, những lời ca tiếng hát vang lên đầy xúc động át tiếng sóng, tiếng gió biển khơi để trao gửi tình cảm yêu thương đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang đến bao cảm xúc khó diễn tả bằng lời cho các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ với những bài song ca “lời của gió”, “cơn mưa tình yêu”… mà người hát không biết mặt, biết tên nhau…
Ca sĩ Ngô Lan Hương, người tham gia biểu diễn trong suốt hành trình chia sẻ, tới Trường Sa là “Show diễn” đặc biệt nhất trong cuộc đời mà bản thân từng được biểu diễn. “Một lần cất tiếng hát tại Trường Sa là một lần rung động, thậm chí là rơi nước mắt. Cảm xúc đó được bắt nguồn tình yêu, là sự cảm mến, biết ơn tới những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho những con người trong đất liền ngày hôm nay”, Lan Hương nói.
Lan Hương chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khoảnh khắc hát qua bộ đàm, dành tặng tới các chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. “Chúng tôi đã tới thật gần, cuối cùng lại không thể lên tận nơi thăm các anh mà chỉ có thể gửi lời ca tiếng hát qua bộ đàm. Cảm xúc của tôi tại thời điểm đó gói gọn trong 2 từ “thú vị” và “nghẹn ngào”, Lan Hương xúc động nói. Theo nữ ca sĩ, “thú vị” là khi tiếng bộ đàm lúc được, lúc mất, nhưng cô và các chiến sĩ phía bên kia đầu dây vẫn đối đáp và cùng nhau song ca thành công ca khúc “Cơn mưa tình yêu”, cùng cười phá lên vì hạnh phúc. “Nghẹn ngào” là khi nhận ra, có những điều tưởng như đã tới thật gần rồi mà mình vẫn không thể chạm tới, chỉ có thể bày tỏ cảm mến một cách gián tiếp như vậy. “Sóng biển to và phức tạp quá! Thế mới biết các chiến sỹ đã phải trải qua những khó khăn như thế nào, khi ngày ngày phải công tác thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện quá khắc nghiệt như vậy”, Lan Hương nói.
Nữ ca sĩ cho biết, chuyến hành trình giúp bản thân hiểu được tình hình của đất nước mình, và biết trân trọng cuộc sống tại đất liền mà mình đang có hơn bao giờ hết. Nữ ca sĩ ấp ủ một ca khúc về chuyến đi đặc biệt này để lan tỏa tới thật nhiều bạn trẻ khác.