> Trung Quốc thay đổi chính sách một con đầu năm 2014
Khi được đưa vào thực hiện năm 1979 , những người viết nên chính sách này đã dự kiến nó sẽ bị xóa bỏ trong vòng 25 – 30 năm. Tính toán này hoàn toàn hợp lý, vì phải cần đến từng ấy năm mới cảm nhận được hết những “tác dụng phụ” của liều thuốc chữa căn bệnh tăng dân số.
Là đất nước đông dân nhất thế giới, là công xưởng của thế giới với lợi thế cạnh tranh vô địch về giá nhân công rẻ, ấy thế mà Trung Quốc đang phải đối mặt với cảnh thiếu hụt lao động.
Năm 2012, lần đầu tiên trong vòng 50 năm, dân số nói chung và tỷ lệ lực lượng lao động trong dân số của Trung Quốc giảm. Dưới góc độ kinh tế, hậu quả của chính sách một con không thể dễ dàng khắc phục trong một sớm một chiều.
Về mặt xã hội, những câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ không được khai sinh, những bé gái bị bóp chết khi mới lọt lòng hay những trường hợp bị cưỡng ép phá thai, triệt sản, vốn đầy rẫy ở các vùng nông thôn, và cũng không thiếu ở các đô thị cho thấy mức độ hà khắc của chính sách một con.
Sự mất cân bằng giới tính trầm trọng (118 nam/100 nữ) cũng kéo theo không ít hệ lụy xã hội và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ.
Đáng nói hơn, chính sách một con đã sản sinh ra cả một thế hệ ích kỷ hơn, nhút nhát hơn, ngại va chạm hơn, và đặc biệt là hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh. Đó mới là hệ quả lâu dài mà không biết đến bao giờ Trung Quốc mới giải quyết triệt để được.
Việc Bắc Kinh chính thức nới lỏng chính sách một con đối với những gia đình có bố hoặc mẹ là con một được đánh giá là thay đổi cấp tiến nhất trong chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, nhưng liệu nó có khiến quả bom dân số Trung Quốc lại bùng nổ.
Câu trả lời có lẽ là không. Bởi lẽ, từ đây cho đến khi xóa bỏ hoàn toàn chính sách này chắc chắn sẽ là khoảng thời gian dài, tùy thuộc vào sự đánh giá của những nhà hoạch định chính sách.
Quan trọng hơn, người dân Trung Quốc cũng đã quen với mô hình gia đình nhỏ sau ba mươi năm thực hiện chính sách một con.
Cũng nằm trong xu thế toàn cầu, giới trẻ ở Trung Quốc không mấy ai mong muốn có một đại gia đình. Chính nhận thức, lựa chọn của giới trẻ hiện đại mới chính là chìa khóa để Trung Quốc kiểm soát việc tăng dân số chứ không phải những công cụ chính sách hà khắc.