Một chuyện tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong 5 năm qua, thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới chú Jose Alberty, một người Cuba tôi chỉ mới thấy qua ảnh. Và nhớ tới chú, tôi lại nhớ câu hát: “Chừng nào còn mang hơi thở, chắc tôi vẫn còn nhớ người”. May mắn thay, năm nay, tôi đã được gặp chú ở Thủ đô Cuba.

Năm 2017, đi cùng Đoàn đại biểu cấp cao Thanh niên Việt Nam thăm Cuba tôi đã gặp Bí thư Thành Đoàn La Habana của bạn. Điều ngạc nhiên là cô mang cái tên thuần Việt: Mai Linh. Thì ra bố của cô, chú Jose Alberty đã sang Việt Nam làm việc tại Sứ quán Cuba năm 1969-1970 và gặp, yêu một cô gái Việt Nam tên là Mai. Trở về nước và mất liên lạc nhưng ông không bao giờ quên cô Mai và hơn 10 năm sau khi sinh con gái, ông đặt tên là Mai. Sau đó, do tên Mai trong tiếng Cuba hơi cộc, ông thêm cho con chữ Linh, Mai Linh, ghi trong mọi giấy tờ là Mailin.

“Bố tôi không bao giờ nguôi thương nhớ cô Mai đó” - Mai Linh kể và cho tôi xem các kỷ vật, trong đó có một số ảnh cô Mai mà nhìn có thể thấy rõ là chú Jose Alberty giữ gìn vô cùng nâng niu, cẩn trọng. Trong một bức ảnh cô Mai in như một cái bưu thiếp, tôi thấy dòng chữ người con gái ấy viết từ hơn nửa thế kỷ trước “Tôi sẽ không bao giờ quên anh . Nguyễn Ngọc Mai”.

Câu chuyện làm tôi xúc động nên trước khi về nước tôi gửi lại một túi quà, nhờ Mai Linh chuyển tới chú Jose Alberty. Trong mẩu giấy cài vào đó, tôi viết: “Bạn hãy nói với bố là tôi chúc ông mạnh khoẻ và cảm ơn ông đã dành cho một cô gái Việt Nam nhiều tình cảm đến thế”.

Một chuyện tình yêu ảnh 1

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cùng bố con chú Jose Alberty và tác giả ở ngoại ô La Habana

Về nước, tôi đã viết bài báo kể lại câu chuyện của chú Jose Alberty, trong đó in cả ảnh và lời nhắn gửi bà Mai với mong muốn kết nối lại tình bạn lần này là ở cấp độ hai gia đình. Tuy nhiên, báo đã không nhận được phản hồi. Bài báo đã được chuyển cho chú Jose Alberty qua Ban Quốc tế T.Ư Đoàn Cuba nên năm 2018, Mai Linh tham gia đoàn đại biểu T.Ư Đoàn Cuba sang thăm Việt Nam đã chuyển cho tôi một bức thư ngắn của chú Jose Alberty. Tôi đưa bức thư cho anh Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc TTX Việt Nam (nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), anh Lê Duy Truyền - Phó TGĐ TTX Việt Nam (nay đã nghỉ hưu) - những người từng học ở Cuba xem. Cả hai anh đều xúc động. Anh Truyền giúp dịch bức thư ra tiếng Việt. Nguyên văn như sau:

“La Habana

15/5/2018

Bạn Lê Xuân Sơn thân mến

Tôi đã thực hiện được giấc mơ của cuộc đời sau 49 năm chờ đợi: đó là trở lại đất nước Việt Nam thân yêu để được thấy nó mười lần to đẹp hơn như mơ ước của Bác Hồ.

Nhưng lần này tôi trở lại Việt Nam là trong đôi mắt của Mailin, con gái tôi, người mang cái tên của một giấc mơ khác.

Qua con gái, tôi sẽ trở lại Tổ quốc thứ hai của tôi mà tôi từng chứng kiến bị chiến tranh tàn phá và giờ đây đang đứng dậy, như José Marti đã từng mơ ước, sau một cuộc kháng chiến thành công nhờ có nhân dân dũng cảm và anh hùng và có tình đoàn kết quốc tế do Bác Fidel của chúng tôi dẫn đầu, là người đã dạy chúng tôi rằng vì Việt Nam chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình... và nhờ cả tình yêu bất diệt của chúng tôi nữa.

Qua cô con gái cũng rất yêu quý Việt Nam, đôi mắt và trái tim tôi cũng đang theo nhịp đập ở Việt Nam.

Cho tôi gửi lời chào tới tất cả các đồng chí ở báo Tiền Phong mà tôi tin tưởng chắc chắn đều trung thành với cái tên của mình là Tiên phong trong nền báo chí Việt Nam.

Bằng cả trái tim mình, tôi xin cảm ơn anh về những bài viết rất hay nhân chuyến thăm của anh tới Cuba, trong đó anh có nhắc đến tên tôi với tất cả sự trìu mến.

Xin chào các đồng chí.

Người bạn của anh:

José Alberty Anesto”

Trong buổi chiêu đãi đoàn Cuba, tôi đã thay mặt báo Tiền Phong qua Mai Linh gửi lời mời chú Jose Alberty cùng vợ qua thăm Việt Nam, báo đài thọ toàn bộ chi phí. Mai Linh đã bật khóc khi nghe lời mời đó.

Một chuyện tình yêu ảnh 2

Bức bưu thiếp cô Mai gửi chúJose Alberty

Một chuyện tình yêu ảnh 3

Jose Alberty đầy tâm trạng khi kể lại mối tình hơn 50 năm trước của mình

Rồi không hiểu vì lý do nào đó mà chú Jose Alberty không thấy thu xếp sang được, mặc dù hằng năm lời mời đều được nhắc lại qua kênh liên lạc giữa hai ban Quốc tế hai T.Ư Đoàn. Rồi đại dịch COVID… Tôi chỉ có thể làm một đôi lần có người sang Cuba thì nhờ chuyển cho chú món quà nhỏ.

Tháng 4/2023, nhân chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tôi lại có dịp đi cùng Đoàn đại biểu cấp cao T.Ư Đoàn đến Cuba và tha thiết nhờ T.Ư Đoàn bạn thu xếp cho tôi gặp chú Jose Alberty. Ba ngày ở lại Habana, ngày nào cũng giục và ngày nào bạn cũng bảo đang liên lạc lại với Mai Linh (lúc này đã chuyển công tác sang làm Bí thư Quận ủy một quận trung tâm La Habana). Tôi đã nghĩ “hay là bạn không muốn mình gặp?!” Tôi đã chuẩn bị sẵn hai túi quà, mỗi túi để một tờ giấy để “Tặng chú Jose Alberty”, “Tặng Mai Linh” phòng khi không gặp thì gửi lại.

Đúng hôm cuối cùng ở La Habana, khi chúng tôi đang lúi húi xem vườn rau một gia đình ở ngoại thành cách trung tâm La Habana 15 cây số thì nghe lao xao phía sau. Quay lại thì thấy mọi người cười hỏi “anh nhận ra ai đây không?”. Tôi thấy Mai Linh đi với một ông già người đậm, đeo kính đen vẻ hiện đại và nhanh nhẹn. Tôi thốt lên “Chú Jose Alberty” và ôm lấy ông. Ông nhắc đi nhắc lại “Tiền Phong, Tiền Phong”.

Một chuyện tình yêu ảnh 4

Chú Jose Alberty và tác giả

Thì ra T.Ư Đoàn bạn muốn dành cho tôi một món quà bất ngờ.

Đang giữa chuyến thăm làm việc ở khu dân cư Fraga, không nói chuyện được nhiều nên tôi mời chú Jose Alberty đi cùng. Khi đoàn gặp gỡ giao lưu với thanh niên, học sinh của khu dân cư, chú Jose Alberty bốc lên cũng nhảy lên phát biểu kể chuyện truyền thống, về thời gian chú ở Hà Nội đang chiến đấu chống Không quân Mỹ.

Sau đó, tôi mời chú về khách sạn để nghe trực tiếp tình sử của chú, điều mà có lẽ chú cũng rất mong muốn được giãi bày. Trên ô tô, khi tôi nói về điều đó, chú thở ra một hơi dài, ngửa đầu nhìn lên trần xe bảo: “Ừ, đó là nỗi buồn xưa cũ. Những day dứt mang theo đã 50 năm!” Nghe vậy, tôi chỉ biết lặng lẽ nắm tay chú.

Năm 1969, chú Jose Alberty được điều động sang Sứ quán Cuba tại Hà Nội làm công việc tinh sửa các văn bản, nhất là các bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha vì chú học chuyên ngành Ngữ văn. Văn bản chú được tinh sửa quan trọng nhất và chú nhớ nhất chính là Di chúc của Bác Hồ.

Những lúc rỗi rãi, chú thường đạp xe dạo chơi Hà Nội lúc này Mỹ tạm ngừng ném bom. Và kết bạn. Cô Mai là do một người bạn cùng sứ quán có người yêu người Việt Nam là y tá làm việc ở một bệnh viện gần sứ quán ở phố Lý Thường Kiệt giới thiệu.

Cô Mai nhà ở gần Sứ quán Cuba, có bố là sĩ quan đang ở chiến trường. Cô dạy cấp 1, hằng ngày đi dạy phải qua Sứ quán. “Tôi cứ ước lượng lúc cô Mai đi về qua cổng Sứ quán và ra chực sẵn ở đó, gặp là chào thật to: Chào đồng chí Mai!” - Chú Jose Alberty cười, kể.

"Một chiều cuối tuần tôi mời được cô Mai đi chơi Hồ Gươm. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Mai là người rất ngọt ngào, tình cảm, thông minh lại rất thích nói chuyện và biết khá nhiều về Cuba nên hai người rất hợp, từ đó nảy sinh tình cảm" - Chú kể tiếp: “Một hôm, tôi mua một bó hoa sen, mời Mai đi chơi chùa Một Cột và tặng hoa cho cô ấy ở đó. Mai đỏ mặt hỏi: “Anh có hiểu là anh vừa làm điều gì không? Tôi đáp: Anh hiểu rõ điều mình làm!”.

Thì ra chú Jose Alberty nghe một giai thoại về chùa Một Cột như thế này: Một vị tướng (chú Jose Alberty nghĩ là Lý Thường Kiệt!) đánh bại quân giặc kéo quân trở về qua chỗ nay là chùa Một Cột thì gặp một người con gái vô cùng xinh đẹp làm ông say mê. Ông đã hái những bông sen ở cái hồ gần đó tặng và cô gái đã nhận. Đó là cử chỉ chứng tỏ rằng cô đã nhận lời tỏ tình của ông. Hai người lấy nhau và họ đã sống cuộc đời vô cùng hạnh phúc. Và ông đã dựng chùa Một Cột tại nơi đã gặp cô gái để kỷ niệm điều đó. Từ đó thành lệ rằng hễ cô gái nào nhận hoa sen người con trai tặng ở Chùa Một Cột thì tức là đã nhận lời yêu (!)

Chú Jose Alberty tặng hoa cho cô Mai là vào một ngày thu tháng chín năm 1969, sau khi Bác Hồ mất và cũng vừa qua sinh nhật lần thứ 24 của chú. Còn cô Mai mới 22 tuổi.

Sau bức thư của chú Jose Alberty, tôi lại nghĩ đến hai điều: Làm sao đưa chú trở lại Việt Nam, trở lại Hà Nội yêu dấu của chú và làm sao xuất bản cuốn nhật ký của chú. Và tôi cũng nhớ đến La Habana, nơi mà Mai Linh nói với tôi khi gặp lại ở mảnh vườn ngoại ô chiều tháng 4 nắng rực rỡ ấy: “Anh phải nhớ là ở La Havana có một ngôi nhà luôn mở cửa đón anh”.

Cô Mai từng dẫn chú Jose Alberty về nhà chơi. Thời đó, một người con gái yêu một người nước ngoài, dù đó là một nước bạn bè như Cuba là rất hiếm và rất khó được gia đình chấp nhận. Nên sau đó hai người yêu nhau nhưng phải giấu. Chuyện cứ như thế kéo dài 6-7 tháng. Rồi năm 1970 thì chú Jose Alberty được lệnh trở về Cuba. Năm tháng trôi đi, rồi mất liên lạc. Nhiều năm sau thì chú Jose Alberty lấy vợ, sinh Mai Linh…

Tôi nhớ khá chi tiết buổi chiều hôm đó trong căn phòng tôi ở Khách sạn Nacional ở La Havana, chú Jose Alberty ngồi kể câu chuyện tình yêu của mình cho tôi nghe qua phiên dịch là một cháu sinh viên Việt học ở Đại học Tổng hợp La Habana. Mặc dù chú biết là tôi sắp hết thời gian vì phải đi dự sự kiện tiếp theo của chuyến công tác, nhưng vẫn để có những khoảng lặng bùi ngùi khi chú lặng im nhìn về phía trước mà thực ra là không nhìn gì cả. Có lẽ chú đang nhìn sâu về quá khứ, hồi tưởng những gì đẹp đẽ đã đến với mình trong cuộc đời hay nhớ về một hạnh phúc đã bị bỏ lỡ.

Tôi trở về nước và mấy tháng trôi đi. Một hôm tôi nhận được phong bì thư ngoài đề Sứ quán Cuba tại Hà Nội. Tôi mở ra thì thấy có 3 trang giấy đã rất ố cũ (có thể vì nước bạn đang rất thiếu giấy). Thư của chú Jose Alberty. Tôi lại nhờ anh Lê Duy Truyền dịch. Thư viết:

“Kính gửi: Đồng chí Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Hà Nội

Bạn thân mến của tôi!

Tôi vẫn còn nhớ những giây phút đẹp đẽ ở bên anh và đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm chúng tôi cách đây một tháng. Các đồng chí đã để lại Cuba một thông điệp không thể xóa nhòa của tình đoàn kết và tình anh em giữa hai dân tộc rất yêu quý nhau.

Tôi muốn nhân dịp Mailin, con gái tôi, đang ở thăm mảnh đất của anh, chuyến thăm thứ hai, để gửi tới anh lời chào này và lời cảm ơn về sự quan tâm cũng như những món quà mà anh dành cho tôi.

Mailin cũng như tôi, rất đỗi vui mừng khi biết tin Mailin sẽ tham gia một đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản chúng tôi đến thăm Việt Nam trong một chuyến đi khắp đất nước.

Cuộc đời đã cho tôi may mắn là con gái tôi hai lần được đến thăm mảnh đất mà tôi biết bao yêu dấu và tôi coi là Tổ quốc thứ hai của mình. Đó là một sự ưu ái, sau 52 năm tôi được ở đó, trong điều kiện chiến tranh tàn bạo do chính kẻ thù lịch sử của chúng ta áp đặt. Đó là sự ưu ái gấp bội đối với tôi khi con gái tôi được thấy ước mơ của Bác Hồ đã trở thành hiện thực, là sau chiến tranh sẽ xây dựng lại một Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn. Tôi từng lúc nào cũng mơ ước điều đó và luôn tin tưởng rằng điều tiên đoán đẹp đẽ đó sẽ thành hiện thực nhờ sự cần cù và nỗ lực của nhân dân Việt Nam và sự đoàn kết của thế giới.

Khi về nước, chắc con gái tôi sẽ mang theo nhiều ảnh và video về những bước tiến lớn lao, để tôi có thể thỏa mãn với những ước mơ của mình đã thành hiện thực khi thấy một Việt Nam đổi mới và sung túc.

Anh biết không, cách đây vài tháng tôi đã kiếm được một cuốn sách làm tôi rung động từ chân đến đầu. Đó là cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, một nữ bác sỹ trẻ sống ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đã đến làm việc ở miền Nam Việt Nam, chạy chữa cho những người bị thương và chị đã hy sinh trên chiến trường ngày 22 tháng 6 năm 1970 ở Đức Phổ khi đang chiến đấu chống quân Mỹ. Người thầy thuốc trẻ đó vừa tròn 24 tuổi. Chị là người sinh ra và học hành ở Hà Nội, và cũng như những thanh niên miền Bắc khác, chị đã xung phong vào miền Nam. Ở đó chị đã bắt đầu viết cuốn nhật ký thật xúc động. Chị đã kể lại tất cả những thăng trầm của mình trong trạm xá giữa rừng thường xuyên bị quân Mỹ và quân Sài Gòn tấn công.

Khi chị hy sinh, một sỹ quan Mỹ đã nhặt được trong tư trang cuốn nhật ký của một người yêu nước dũng cảm đó. Và nhiều năm sau, xúc động bởi những gì chị đã viết, người sỹ quan đã sang Việt Nam và trao cuốn nhật ký cho gia đình chị ở Hà Nội. Cuốn nhật ký đã được xuất bản bằng một số ngôn ngữ, là một biểu tượng của cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam.

Tôi đã vài lần đọc cuốn nhật ký và mỗi lần như vậy tôi lại cảm nhận được sự kịch tính, nỗi xúc động và thân thiết sâu sắc, rất nhân văn. Cuốn nhật ký là một minh chứng quý giá về cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam, được kết tinh ở người chiến sỹ và bác sỹ 24 tuổi Đặng Thùy Trâm.

Ngạc nhiên khác rất ấn tượng với tôi là trong khi Đặng thùy Trâm viết cuốn nhật ký trong rừng miền Nam thì chính lúc đó ở Hà Nội, tôi cũng đang viết nhật ký về tất cả những gì xảy ra. Khi chị hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970 thì tôi đang ở chính thành phố Hà Nội quê hương chị. Thật là một nghịch cảnh của cuộc đời!

Rồi tôi so sánh nhật ký của chị và của tôi, từng ngày từng ngày một, và một nỗi buồn trĩu nặng xâm chiếm tôi khi chị nhớ về những buổi dạo chơi ở Hà Nội. Chị nhớ khôn nguôi những con phố, những quảng trường và những hồ nước, mà cũng chính những nơi đó, chính ngày hôm đó tôi đang dạo qua, đang bị xâm chiếm bởi vẻ đẹp của thành phố mà tôi yêu quý biết bao.

Tôi cảm thấy ấn tượng về sự trớ trêu mà cuộc đời đã dành cho tôi 53 năm trước đặt chân đến Hà Nội, vào chính thời điểm mà những thanh niên, 22 tuổi như tôi, lại đang phải chiến đấu và hy sinh để bảo vệ Tổ quốc của mình. Vì thế Đặng Thùy Trâm đã dạy tôi rằng đối với tôi, Việt Nam giống như Cuba và vì thế con gái tôi mang một cái tên Việt Nam.

Bạn Sơn thân mến, tôi rất gắn bó với Tổ quốc thứ hai của mình và tôi rất vui vì anh đã khám phá ra điều đó trong tôi. Vì thế tôi yêu mến anh.

Tôi đang suy nghĩ, như là một dự định, làm cái gì đó để tưởng nhớ Đặng Thùy Trâm, trong đó sẽ sử dụng những trang nhật ký của tôi, để làm chị ấy sống lại trong một Hà Nội của chị ấy với những hoài niệm, và một Hà Nội của tôi với những ước mơ và hy vọng, một Hà Nội của hai người trẻ hòa quyện vào nhau trong thời chiến, nhưng mơ ước xây đắp tương lai cho Việt Nam và Cuba.

Tôi rất cảm ơn nếu anh giúp tôi suy tính chuyện đó, vì anh là nhà báo, ta luôn suy nghĩ điều gì có thể giúp ích cho lớp trẻ Việt Nam và Cuba ngày nay.

Tôi xin lần nữa gửi lời chào tới anh và tới tập thể của anh mà tôi hay thấy trên internet. Tiền Phong là tờ báo rất hay, luôn truyền tải thông tin về một Việt Nam mạnh mẽ và cần cù, đang tiến bước rất nhanh trong một thế giới toàn cầu hóa, bất bình đẳng và phân biệt. Một Việt Nam đang vạch ra con đường mà một dân tộc có phẩm giá và lòng dũng cảm đã đạt được bằng ý chí cao cả của mình.

Xin gửi tới Sơn, người bạn và người đồng chí, một cái ôm thắm thiết từ người anh em Cuba của anh!”

Đọc bức thư, tôi hiểu là Mai Linh đã đến Việt Nam trong đoàn đại biểu Cuba sang dự Kỷ niệm 50 năm ngày Tư lệnh Fidel thăm Việt Nam và đến vùng giải phóng Quảng Trị. Cô mang theo bức thư của bố nhưng do lịch trình chuyến đi chặt nên không có thời gian thăm tôi mà gửi lại bức thư nhờ Sứ quán Cuba chuyển.

Sau bức thư của chú Jose Alberty, tôi lại nghĩ đến hai điều: Làm sao đưa chú trở lại Việt Nam, trở lại Hà Nội yêu dấu của chú và làm sao xuất bản cuốn nhật ký của chú. Và tôi cũng nhớ đến La Habana, nơi mà Mai Linh nói với tôi khi gặp lại ở mảnh vườn ngoại ô chiều tháng 4 nắng rực rỡ ấy: “Anh phải nhớ là ở La Havana có một ngôi nhà luôn mở cửa đón anh”.

MỚI - NÓNG