Điểm làm quyển sách đặc biệt thu hút ở chỗ, chỉ qua việc chạy bộ, nhà văn đã phát hiện ra mối quan hệ mật thiết giữa thể chất và tinh thần, những tác động của chạy bộ không chỉ lên lên cơ thể mà còn lên tâm tính cũng như quan điểm, cách viết của nhà văn.
Theo tôi, việc viết báo phần nào giống với chạy bộ, người viết cũng giống người chạy, phải duy trì được sự tập trung và nhất quán để đi đến thành quả. Trên hành trình này, ta không thể tránh khỏi phải đối mặt với chính bản thân và đó luôn là trở ngại lớn khiến ta chậm lại, thậm chí đôi lúc không thể vượt qua.
Dựa trên cách tiếp cận của Murakami, tôi sẽ nói về thực hành nghề báo của cá nhân trong thời gian qua. Một hành trình không hề dễ dàng, đôi khi tôi hoài nghi về lựa chọn theo đuổi nghề này. Chỉ là đến hiện tại, cái cảm giác đúng đắn, vừa vặn vẫn còn đó mỗi khi tôi nghĩ về bản thân với tư cách một người làm báo.
Là một Gen Z chập chững bước vào nghề, tôi mong rằng những chia sẻ chân thành trong bài viết này phần nào đó có thể đem đến cho các đồng nghiệp đồng trang lứa manh mối để gỡ rối trong công việc hoặc chí ít, cảm thấy được chia sẻ.
Vấn đề ở đây là tốc độ
Tôi bén duyên với Tiền Phong từ năm 2020, thời đó tôi còn là sinh viên, có sở thích xem phim và viết review. Được người quen giới thiệu gửi bài cho báo Tiền Phong, tôi không ngờ đã có kha khá bài viết được duyệt đăng trên báo giấy và các ấn phẩm tạp chí. Được thấy bút danh của mình trên các trang báo cho tôi cảm giác hãnh diện vô cùng. Sau này ra trường, mặc dù tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh, tôi đã xác định rõ báo chí mới chính là con đường mình muốn theo đuổi.
May mắn được lãnh đạo báo Tiền Phong trao cơ hội làm phóng viên tập sự tại ban Đại diện TPHCM, mảng Văn hóa - Giải trí, quãng thời gian đầu làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp khiến tôi sớm vỡ mộng về khả năng viết lách của mình.
Tôi không phủ nhận bản thân là một người-biết-viết, tôi không hề có ý định che giấu bản mặt hãnh diện khi khoe về những bài viết từng được đăng. Vấn đề là tôi gần như không phải chịu áp lực thời gian trong quá hoàn thành những bài viết này. Chỉ đến khi làm việc trong tòa soạn, phải luôn túc trực tin tức 24/7, luôn ở trong tâm thế sẵn sàng hành động, xử lý tin bài nhanh gọn, tôi mới nhận ra tư duy viết lách của mình cần phải thay đổi.
Vấn đề ở đây là tốc độ. Bạn có thể là một người văn hay chữ tốt, nhưng nếu tình huống yêu cầu bạn phải nhanh, gọn, rõ ràng thì những tiêu chuẩn về câu chữ rất dễ trở thành gánh nặng. Khi tin tức còn nóng hổi, nếu bạn tiêu tốn thời gian vào việc chọn lọc câu từ và cách diễn đạt, rất dễ bạn sẽ để nó nguội lạnh. Lúc này, dù có văn hay chữ tốt đến bao nhiêu thì thiên hạ đã không còn quan tâm đến sản phẩm của bạn nữa rồi.
Đồng hành cùng PV Văn Tiệp, Ngô Tùng tại Đại hội Hội Sinh viên |
Dẫu vậy để điều chỉnh tốc độ viết không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được, đặc biệt với những kẻ có niềm kiêu hãnh chữ nghĩa như tôi. Làm việc với chữ cũng như làm việc với chính mình, câu chữ mình viết ra mà không thấy đủ sức nặng, không biểu đạt được trọn vẹn ý tứ của mình thì sao có thể tin tưởng nó được. Thời gian đầu, khi được giao rất nhiều đề tài với yêu cầu phải xử lý nhanh, tôi lúng túng vô cùng. Viết ngắn, viết nhanh tưởng dễ mà hóa ra khó cực kì.
Tôi nghĩ rằng, một “người viết” nếu muốn trở thành một “nhà báo” phải chiến thắng được cái tôi của mình, phải dẹp được nó sang một bên. Trong quá trình đấu tranh với cái tôi cứng đầu, tôi nghiệm ra một điều: Viết lách trong báo chí không còn là viết cho mình mà là viết cho bạn đọc, do đó để truyền tải sự thật, một lời nói mộc mạc chân thành sẽ có giá trị hơn hàng trăm mỹ từ.
Để hoàn thành một chặng marathon
Hơn nửa năm thử việc, đến bây giờ tôi vẫn chưa hết kinh ngạc với cường độ hoạt động của các anh chị đồng nghiệp. Thật khó tin khi họ luôn ở trong trạng thái di chuyển, luôn có mặt tại các “điểm nóng”, gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người nhưng vẫn đảm bảo đầu ra sản phẩm với tốc độ cao, đều đặn mỗi ngày. Tuy lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng cảm giác họ mới chính là người trẻ hơn, dồi dào năng lượng hơn.
Vừa ngưỡng mộ nhưng đồng thời cũng thấy choáng ngợp khi đứng cạnh những tiền bối giỏi giang đến vậy. Nhiều khi vì sĩ diện của một Gen Z năng động, hiện đại, tôi đã thúc ép bản thân phải theo kịp cường độ làm việc của họ. Dù hiệu suất có tiến triển nhưng đi kèm là sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nếu một nhà báo phải nói lên sự thật, thiết nghĩ trước hết tôi cũng nên thành thật với chính mình. Là một người viết báo trẻ mới bước vào nghề, nhận được nhiều lời động viên, kì vọng, tôi rất muốn tin rằng mình là một người giỏi, có thể làm những điều lớn lao để không phụ lòng mọi người. Chỉ là khả năng của tôi chỉ đang ở mức rất khiêm tốn, nhiều khi chỉ những điều rất cơ bản lại khiến tôi cực kì chật vật, bị tắc nghẽn công việc.
Các nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện |
Trong chạy bộ, bạn không thể hoàn thành một chặng marathon nếu trước đó không dành thời gian đều đặn hàng ngày tích lũy thể lực, nhận biết được đặc điểm thể chất của bản thân, tìm ra tốc độ phù hợp và lên kế hoạch tập luyện khoa học. Tương tự với nghề báo, đặc biệt là đối với lính mới, có rất nhiều hướng đi để bạn chọn, nhiều đề tài hấp dẫn để bạn xử lý, chỉ là liệu bạn có đủ sức bền để duy trì cường độ và phong độ làm việc trong thời gian dài? Bạn phải tích lũy dần theo năm tháng.
Dù mệt nhưng vẫn phải chạy
Làm báo cho tôi cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với đủ mọi kiểu người, đến từ mọi ngành nghề, vị trí trong xã hội. Đó đều là những trải nghiệm quý báu mà không phải ai cũng có. Tuy nhiên ngay từ đầu tôi không phải là một người dám mở miệng bắt chuyện hay đặt câu hỏi. Đứng trong không gian cùng những người ưu tú khiến tôi cảm thấy cực kì nhỏ bé. Điều đó cho thấy tôi chưa có được bản lĩnh của một nhà báo đích thực.
Được làm báo đích thực đối với tôi cũng giống như đích đến một chặng marathon. là một quãng đường rất dài, muốn về đích thì phải duy trì tốc độ hợp lý cùng ý chí kiên cường. Sẽ có lúc cơ thể đau nhức kêu gào ta dừng lại nghỉ ngơi, sẽ có lúc ý định bỏ cuộc len lỏi vào dòng suy nghĩ. Chỉ có vạch đích vẫn đang chờ đợi ta phía trước, vẫn còn chặng đường của riêng ta cần phải chinh phục. Dù phía trước có đầy gian lao, thử thách, tôi vẫn phải hoàn thành chặng marathon này bằng mọi giá.
Nhớ lại lần được gặp đạo diễn Trần Anh Hùng tại một buổi chiếu phim, đó là lần đầu tiên tôi dám đứng lên để đặt câu hỏi trong đám đông, thậm chí còn dẫn đến một cuộc đối thoại khá thú vị. Tôi không nhớ về khoảnh khắc đó như một chiến tích vẻ vang, thực tế nó còn khá là ngờ nghệch. Có điều, khoảnh khắc đó đã giúp tôi bước ra khỏi bức tường vô hình vây hãm chính mình, đồng thời có thêm manh mối về năng lực của bản thân.
Có một nhà báo kỳ cựu đã nói rằng: Bản lĩnh của nhà báo không phải tự nhiên mà có, mà nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút. Tôi thật sự muốn trở thành một nhà báo tên tuổi, nhưng để ngòi bút của mình trở thành vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà thì trước mắt tôi phải giải được bài toán “viết nhanh”, “năng suất”. Nghe thì rất ngớ ngẩn nhưng theo tôi, không ít nhà báo Gen Z cũng đang vật lộn trong những cơn khủng hoảng tầm thường kiểu vậy.
Trong cơn khủng hoảng này, chỉ có một điều mà tôi luôn chắc chắn chính là tình yêu tôi dành cho nghề báo. Nhớ lại cảm giác run lên vì hạnh phúc khi thấy bút danh của mình trên các trang báo, được sống trong hơi thở của thời đại, được đi khắp nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều mảnh đời. Đó là niềm vui, cũng là kim chỉ nam định hướng sự nghiệp của tôi…