Món nợ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi ánh mắt đau đáu, buồn rười rượi của ông Tư Cứu (Nguyễn Tấn Cứu) - một người cao tuổi, gầy gò mà tôi gặp hồi cận Tết hai năm trước trong khu tạm cư An Phú. Dù nằm ngoài ranh Khu đô thị Thủ Thiêm (Thủ Đức, TPHCM), gia đình ông Tư Cứu cùng hàng trăm gia đình khác vẫn buộc phải rời khỏi căn nhà của mình từ năm 2011.

Không có điều kiện để có một chỗ ở khang trang, ông Tư Cứu và nhiều gia đình phải tá túc trong khu tạm cư chật chội, cũ nát. Cuộc sống bị đảo lộn và kế sinh nhai không ổn định nên vô cùng khó khăn. Ông Tư Cứu và những “người cùng khổ” luôn ngóng về căn nhà cũ, dù giờ đây chỉ còn là đống gạch vụn và đám lau sậy ngút ngàn. Nhiều người Thủ Thiêm cùng độ tuổi ông Tư Cứu đã ra đi, không kịp chờ đến ngày tìm được công lý.

“Sẽ giải quyết rốt ráo những tồn đọng và trả lại công bằng cho người dân oan Thủ Thiêm”, là lời hứa của người đứng đầu thành phố cũng như nhiều người có trách nhiệm liên quan. Nhưng nhiều năm trôi đi, lời hứa như gió thoảng mây bay, chỉ có nỗi cay cực và oan khuất của người dân nơi đây hiện hữu.

Không riêng Thủ Thiêm, còn rất nhiều món nợ lời hứa của chính quyền thành phố với nhân dân trong nhiệm kỳ vừa qua (2016-2021) và cả những nhiệm kỳ trước đó chắc chắn sẽ được bàn trong hội nghị tổng kết nhiệm kỳ tới đây như: từ việc chống ngập, giải tỏa ách tắc giao thông, đường sắt trên cao đến giải phóng các dự án quy hoạch treo… đến giờ vẫn “treo”. Cướp giật như một thứ “đặc sản” gây bao nỗi kinh hoàng, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn và bao điều bất trắc khác vây hãm cuộc sống người dân…cũng là những món nợ lớn còn treo.

Trong khi món nợ chưa kịp trả thì hàng loạt quan chức, kể cả người đứng đầu hệ thống chính trị thành phố đã bị xử lý. Chưa bao giờ, thành phố lại rơi vào cuộc khủng hoảng tổ chức nhân sự lớn như những năm vừa qua. Sự tha hóa của nhiều cán bộ, đảng viên đã khiến quyết tâm chính trị của bộ máy chính quyền thành phố trở nên kém hiệu quả, từ đó dẫn đến sự đình trệ, ách tắc trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch trong nhiều lĩnh vực. Nhiều mục tiêu và lời hứa đã không được thực hiện hay hoàn thành, và cuối cùng người dân gánh chịu mọi hậu quả.

Sự suy tha hóa của cán bộ, đảng viên đã tác động lớn đến niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị thành phố. Dịch COVID-19 là phép thử hệ thống chính trị và năng lực điều hành của lãnh đạo thành phố. Đâu đó đang tỏ rõ sự lúng túng trong việc phòng chống dịch, từ khâu giãn cách, truy vết đến tổ chức tiêm vắc-xin…

Để thành phố hoàn thành sứ mệnh của mình, ngoài những nỗ lực của bộ máy chính quyền, không thể không có sự đồng lòng, chung sức của mọi người dân. Sự đồng lòng, chung sức đó chỉ có được khi chính quyền thành phố trả được món nợ lòng tin của nhân dân trong quá khứ và việc “trả nợ” phải bằng một quyết tâm cao độ, hành động thiết thực hiệu quả ngay từ bây giờ.

MỚI - NÓNG