Mòn mỏi chờ nước sạch

Giếng nước nhà ông Phạm Văn Phước bị nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng.
Giếng nước nhà ông Phạm Văn Phước bị nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng.
TP - Nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm dầu và khan hiếm nguồn nước sạch nên mỗi ngày người dân phải lo đi mua từng lít nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt. Đó là tình cảnh chung của hơn 300 hộ dân sống dọc Quốc lộ 19 thuộc khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định) nhiều năm qua.

Ông Phạm Văn Anh (66 tuổi) chỉ vào chiếc giếng trước nhà, phân trần: “Hết gần 40 triệu để đào giếng đó, sâu mười mấy mét, lắp máy khoan xuống mấy chục mét nữa cũng chỉ ri rỉ được vài gàu. Mùa đông lấy nước đâu ăn uống sinh hoạt mà không mua”. Nhà ông Anh có 7 người, trung bình mỗi tháng hết 700 – 800 ngàn đồng tiền nước. Trước thì gồng gánh mang xe đi chở, nay có xe chở nước về nhà nên giá đắt hơn, 70 ngàn đồng/khối. Nhà 7 người, tằn tiện cũng 3 ngày hết 1 khối nước.

Bà Huỳnh Thị Xuyến (59 tuổi) tiếp lời: “Biết bao nhiêu lần kiến nghị đề xuất nhưng chẳng thấy phản hồi gì”. Ông Phạm Văn Phước bỏ gần 40 triệu đồng để đào giếng lấy nước sinh hoạt. Nhưng nước khi múc lên thì vàng khè, nhiễm phèn, nhiễm dầu. Cả xóm ai cũng ngao ngán khi nói về chuyện đào giếng. Vừa tốn kém do địa hình đồi núi, lại không tìm ra mạch nước sạch để dùng.

Ông Đào Xuân Ngọc, trưởng khu vực Huỳnh Kim, cho biết: cả khu vực có 1.000 hộ (4.000 nhân khẩu), trong đó có 300 hộ sống dọc Quốc lộ 19, cạnh dãy núi Sơn Triều thiếu nước nghiêm trọng nhiều năm nay. Người dân kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đây là nhu cầu rất bức thiết do địa hình đồi núi nên việc khoan giếng tốn kém và không hiệu quả. Hơn nữa, tại đây có hai nghĩa địa việc chôn cất không đúng quy cách, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước. Trước đây, dự án cấp nước sạch xã Nhơn Hòa được UBND tỉnh đưa vào dự án Cấp nước sạch và VSMT nông thôn vùng miền trung do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Sở NN&PTNT hoàn thành khảo sát, tìm kiếm nguồn nước, lập dự án đầu tư và tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong thời gian triển khai dự án huyện An Nhơn chuyển thành thị xã An Nhơn, xã Nhơn Hòa chuyển thành phường Nhơn Hòa (từ năm 2012), dự án này đã không đáp ứng tiêu chí cấp nước và vệ sinh nông thôn nên dừng từ đó đến nay.

Theo ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa: Việc xây dựng phương án đưa nguồn nước sạch ở đây là rất cấp thiết. Địa phương đang đề xuất với cấp trên để xây dựng các phương án giải quyết.

Ông Đoàn Thanh Tú, Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị, thị xã An Nhơn, cho biết, trên địa bàn thị xã có 6 nhà máy cung cấp nước sạch song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện, vẫn còn 5 địa phương chưa có nước sạch. Vấn đề nhu cầu phát triển mạng lưới rất cao, tuy nhiên vấn đề quản lý đầu tư để xây dựng hệ thống nhà máy cung cấp nước sạch không thuộc thẩm quyền của thị xã mà từ cấp tỉnh trở lên. Hơn nữa, kinh phí đầu tư cho các nhà máy rất lớn. Điều trớ trêu là, nước sạch nhà máy cấp lại chạy không hết công suất. Có nhà máy chỉ sử dụng 5 - 7% công suất thiết kế.

Thị xã đang kiến nghị để tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng một vài nhà máy trên địa bàn để phục vụ các địa phương còn thiếu nước. Đồng thời có phương án huy động các nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.