Môn chính-môn phụ ở Thông tư 22: Khó lòng bỏ được?

0:00 / 0:00
0:00
Môn chính-môn phụ ở Thông tư 22: Khó lòng bỏ được?
TPO - Quan niệm “môn chính, môn phụ” đã ăn sâu vào nhiều thế hệ, mặt khác các môn thi trong nhiều kì thi, như kì thi tốt nghiệp vẫn bắt buộc thi Toán, Văn, Anh thì quan niệm “môn chính, môn phụ” sẽ khó lòng loại bỏ được.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT Chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc môn Toán hay môn Văn có còn được xem trọng như trước hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc kì thi vào lớp 10, kì thi tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học được thực hiện như thế nào.

Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét: Không mới

Thầy Công cho rằng, sau khi thông tư 22/2021/TT-BGDĐT “Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông” được ban hành sẽ “bỏ điểm trung bình các môn học” khiến nhiều người lầm tưởng là “tất cả các môn học sẽ bỏ điểm trung bình, không còn kiểm tra đánh giá, cho điểm ở các môn học”. Điều này là không chính xác và cần được làm rõ ở nhiều khía cạnh để các thầy, cô và học sinh, phụ huynh nắm được tinh thần của thông tư.

Theo Thầy Công, thông tư có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).

Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét không mới, trước đây đã được áp dụng với môn Giáo dục thể chất nay mở rộng với các môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và áp dụng 1 phần với các môn còn lại.

Thực tế, để có thể đưa ra được các nhận xét, giáo viên cần phải làm việc nhiều hơn để đánh giá được những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kiến thức, năng lực của học sinh thông qua quá trình giao nhiệm vụ như thực hành, thuyết trình, báo cáo, sưu tầm, đóng vai, biểu diễn, thực hiện hoạt động, ...

Thầy Công cho rằng, điều này khiến giáo viên phải đổi mới cách ra đề, thay vì kiểm tra sự ghi nhớ là chủ yếu thì đánh giá học sinh dựa trên kiến thức, năng lực, thái độ, hành vi. Điều này là phù hợp với Chương trình phổ thông mới 2018 và sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, thầy Công cho rằng, với các môn đánh giá bằng nhận xét có thể dẫn đến tình trạng cả giáo viên và học sinh coi đó là “môn phụ”, để “nhàn hơn, đỡ vất vả hơn” thì nhiều giáo viên sẽ đưa vào nhận xét “Đ - (Đạt) tất cho nhanh”.

Với các môn đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số, điểm trung bình môn học kì được sử dụng để đánh giá học sinh, do vậy nhiều khả năng các thầy cô sẽ vẫn chỉ áp dụng cách đánh giá bằng điểm số và đánh giá bằng nhận xét có thể chỉ là lý thuyết. Thế nên, từ chính sách đi đến thực tế còn một khoảng cách khá xa.

Vấn đề thứ hai về tiêu chí điểm trung bình tất cả các môn học đã được bỏ trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, thầy Công cho rằng, trước tiên, cần làm rõ cách tính tổng kết để giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu được:

Kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 (một) trong 4 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Và vì nhiều môn học được đánh giá bằng “Đạt” hay “Chưa đạt” nên việc tính điểm trung bình sẽ không còn phù hợp. Vai trò của các môn học đánh giá bằng điểm số sẽ tương đương nhau, không lấy tiêu chí môn Toán/Văn phải trên 8,0 mới đạt mức tốt nên có thể loại bỏ quan niệm “môn chính hay môn phụ”, điều này khiến cho việc đánh giá các môn học khác nhau sẽ công bằng hơn.

Tuy nhiên, theo thầy Công cũng cần phải nói quan niệm “môn chính, môn phụ” đã ăn sâu vào nhiều thế hệ, mặt khác các môn thi trong nhiều kì thi, như kì thi tốt nghiệp vẫn bắt buộc thi Toán, Văn, Anh thì quan niệm “môn chính, môn phụ” sẽ khó lòng loại bỏ được.

“Do đó, ở một tầm nhìn xa hơn, bên cạnh thông tư về kiểm tra, đánh giá học sinh Bộ GD&ĐT cần đồng bộ với các vấn đề thi cử của chính thế hệ được cải cách này trong tương lai vài năm tới”- thầy Công nêu quan điểm.

Vị thế môn chính-môn phụ không nằm ở Thông tư 22 mà ở chương trình, thi cử

Trước đây, để đạt loại Giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8 trở lên, trong đó điểm trung bình môn Toán hoặc Ngữ văn phải từ 8 trở lên. Tuy nhiên, theo cách đánh giá mới thì học sinh chỉ cần có 6 môn bất kì đạt trung bình trên 8.

Do vậy, việc đánh giá mới với mức tốt “học sinh chỉ cần có 6 môn bất kì đạt trung bình trên 8” sẽ tạo ra sự công bằng với tất cả các môn học có đánh giá điểm số. Giáo viên có thể đánh giá được học sinh đó có thiên hướng về môn nào nhiều hơn, đó là một dữ liệu quan trọng để định hướng nghề nghiệp của học sinh và phân luồng giáo dục ở các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, thầy Công cho rằng, việc môn Toán hay môn Văn có còn được xem trọng như trước hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc kì thi vào lớp 10, kì thi tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển vào các trường đại học được thực hiện như thế nào.

Ngoài ra, ở thông tư 22, việc mất đi danh hiệu “học sinh tiên tiến” đã được sử dụng trong 1 thời gian rất dài khiến nhiều người lớn tuổi có chút bồi hồi. Nhưng theo thầy Công, việc thay đổi các đánh giá và xếp loại học sinh thì việc thay đổi hình thức khen thưởng cũng là cần thiết.

Hiện nay, với nhiều trường phổ thông có tiếng tăm hầu hết các học sinh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, chỉ số ít và hiếm hoi có học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Còn lại, với một số trường khác, số học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trở lên cũng quá nhiều, việc được nhận giấy khen trở thành điều bình thường với mỗi học sinh.

Ngoài ra, theo thầy Công, việc nâng chuẩn khen thưởng lên thành 2 mức “Xuất sắc” và “Giỏi” cũng là một biện pháp để tạo động lực cho các học sinh. Và nếu số lượng học sinh xuất sắc được khống chế bằng điểm thật, thi thật sẽ là một động lực lớn để học sinh vươn lên, là một căn cứ tốt để các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp xét tuyển bằng học bạ.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.