Thay đổi cách đánh giá học sinh:

Xóa bỏ quan niệm môn chính - môn phụ

0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia, giáo viên cho rằng, Thông tư 22 có nhiều ưu điểm. Ảnh: Quỳnh Anh
Chuyên gia, giáo viên cho rằng, Thông tư 22 có nhiều ưu điểm. Ảnh: Quỳnh Anh
TP - Theo các chuyên gia, nhà giáo, việc Bộ GD&ĐT thay đổi cách đánh giá học sinh THCS-THPT là tiến bộ, sẽ xoá bỏ quan niệm môn chính - môn phụ. Tuy nhiên, giáo viên phải hiểu đúng, nếu không sẽ “ôm” thêm việc.

Thông tư 22 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành có hiệu lực năm đầu tiên đối với học sinh lớp 6, năm học 2021-2022, song song với Thông tư 26 áp dụng với học sinh đang theo học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thông tư 22 có nhiều điểm mới, trong đó có bỏ cách tính điểm trung bình cộng tất cả các môn để xếp loại học sinh, thay vào đó sẽ để nguyên bảng điểm trung bình các môn học. Cuối năm, học sinh sẽ được khen thưởng với danh hiệu “Học sinh xuất sắc”, “Học sinh giỏi”; danh hiệu “Học sinh tiên tiến” sẽ biến mất. Thông tư 22 không xếp loại hạnh kiểm mà đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học theo 1 trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Thông tư mới cũng đánh giá kết quả học tập theo 1 trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, một trong những ưu điểm của Thông tư 22 là bỏ cách xếp loại hạnh kiểm trước đây; giờ không xếp loại hạnh kiểm học sinh là rất nhân văn, sẽ không còn học sinh yếu, kém. Theo TS Lâm, cần tăng phần nhận xét của giáo viên về học sinh, đồng thời nên khuyến khích các em tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, với cách đánh giá để kết quả học tập của từng môn học riêng rẽ, học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo có thể nhìn nhận cụ thể mỗi em có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Khái niệm “học sinh giỏi” sẽ được nhìn nhận toàn diện và đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hoá từng học sinh. Ngoài ra, quan niệm môn chính - môn phụ cũng sẽ được xoá bỏ, các môn học được đánh giá công bằng như nhau. Trước đây, nếu học sinh học yếu ở môn này sẽ nỗ lực ở môn khác để “gánh” điểm, nhưng với cách đánh giá mới,sẽ không có chuyện môn này “gánh” cho môn kia. “Cách đánh giá mới coi học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Khi học lên THPT, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này”, ông Thành nói.

Đánh giá bằng nhận xét kết hợp cho điểm

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đánh giá Thông tư 22 có nhiều ưu điểm, phù hợp với quan điểm giáo dục của giai đoạn hiện nay là chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. “Trước đây, nhiều cha mẹ học sinh chỉ quan tâm đến điểm tổng kết mà không xem con mình có khả năng ở những môn học nào để hỗ trợ, trong khi mỗi học sinh sẽ có những năng lực cụ thể khác nhau như âm nhạc, ngôn ngữ, thể thao, toán học… Việc yêu cầu nhìn vào bảng đánh giá sẽ giúp giáo viên nhận diện rõ năng lực học sinh; cơ quan quản lý cũng có phương hướng trong đánh giá, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em”, thầy nói.

Tuy nhiên, theo thầy Bình, giáo viên phải hiểu đúng để làm đúng, nếu không sẽ phải “ôm” thêm nhiều việc và cảm thấy áp lực. Với một số môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp cho điểm, nếu không hiểu cách làm, giáo viên sẽ phải viết nhận xét bằng lời cho hàng trăm học sinh. Cần phải hiểu đúng, nhận xét bằng lời ở đây không nhất thiết tất cả phải viết vào sổ theo dõi, học bạ đối với tất cả học sinh mà giáo viên có thể chỉ ghi những nhận xét cần thiết, đặc biệt cho sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc những gợi ý cho học sinh có năng lực đặc biệt. Khi nhận xét bằng lời, giữa thầy và trò sẽ tăng sự tương tác cũng như hiệu quả giáo dục, thầy Bình nhận định.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.