Cử hơn 2.500 giảng viên học tiến sĩ theo Đề án 89: Quản tiền thế nào nếu không trở về?

0:00 / 0:00
0:00
Cử hơn 2.500 giảng viên học tiến sĩ theo Đề án 89: Quản tiền thế nào nếu không trở về?
TPO - Trong hai năm, 2021 - 2022, có hơn 2.500 giảng viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học đăng ký học tiến sĩ theo Đề án 89.

Đề án 89 của Chính phủ “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” bắt đầu được thực hiện từ năm 2021.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy hiện cả nước có 164 cơ sở đăng ký gửi 1.277 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách theo cả loại hình đào tạo trong nước, gửi đào tạo ở nước ngoài hoặc đào tạo theo hình thức phối hợp. Tới năm 2022, có 155 đăng ký cơ sở gửi 1.308 giảng viên đi đào tạo.

Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Tính đến năm 2019, Việt Nam có 73.312 giảng viên, trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm hơn 28%). Đến năm 2020, có khoảng 30% giảng viên đại học đạt trình độ này. Con số này tăng lên 31,12% vào năm 2021 nhưng vẫn thấp so với thế giới. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, số lượng trường có đội ngũ giảng viên là tiến sĩ dưới 25% vẫn đang rất lớn, khoảng trên 50%; chỉ có 4% cơ sở giáo dục ĐH đạt tỷ lệ 75% giảng viên là tiến sĩ; số cơ sở có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 50 – 75% chiếm 9%.

Trong khi đó, theo số liệu đăng ký của các cơ sở giáo dục ĐH, năm 2021 có 1.388 nguyện vọng đi học tiến sĩ (352 ở ngoài nước) và năm 2022 là 1.428 nguyện vọng (521 ở ngoài nước). Đặc biệt, năm 2020 tỉ lệ nhập học đào tạo tiến sĩ chỉ đạt 24,93%. Với tổng quy mô giảng viên cơ hữu hơn 86.000, các số liệu này cho thấy cần phải đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ là giảng viên các trường ĐH trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo lắng của dư luận đã thành tiền lệ là tình trạng một đi không trở lại của các giảng viên được cử đi học.

So với những Đề án trước đây đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH (Đề án 322, Đề án 911), những ràng buộc của Đề án 89 có gì mới để giữ chân giảng viên?

Tháng 5 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 và 2022 (gọi tắt là Công văn 1943) gửi các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo văn bản này, vấn đề "quản" người học không chỉ đặt trách nhiệm "tự thân" lên chính người học như các Đề án trước đây mà còn có trách nhiệm của chính đơn vị cử người đi học.

Cụ thể, đối với người học có trách nhiệm bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành trong các trường hợp sau: tự ý bỏ học; không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi (hoặc tại cơ sở có ký thỏa thuận cam kết tiếp nhận giảng viên) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH, phải tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển chọn ứng viên đúng đối tượng;

Có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định như trên.

Những cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ phải cam kết tuyển chọn, cử người đi học đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn này, đồng thời có trách nhiệm tiếp nhận người học đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ làm giảng viên của cơ sở theo quy định hiện hành.

Như vậy, với những quy định trên, Bộ GD&ĐT mong muốn ngân sách nhà nước bỏ ra để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đến được đúng đối tượng, đúng nhu cầu; tránh được tình trạng "thả gà" ra đuổi như trước đây.

MỚI - NÓNG