Tổ chức sự kiện, hội chợ ở di tích và công viên

Mở hội ở di tích, cách nào cho phù hợp?

Sự kiện festival văn hóa bán hàng phản cảm làm xấu hình ảnh Hoàng thành Thăng LongẢnh: NGUYÊN KHÁNH
Sự kiện festival văn hóa bán hàng phản cảm làm xấu hình ảnh Hoàng thành Thăng LongẢnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Câu chuyện lợi dụng festival văn hoá ở Hoàng thành để bán những mặt hàng phản cảm không phù hợp khiến dư luận băn khoăn, liệu có nên biến những di tích, di sản thành địa điểm tổ chức sự kiện.

Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hai trong số những di tích tầm cỡ ở Hà Nội trở thành điểm hẹn của nhiều sự kiện văn hóa lớn. Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa mấy kỳ liền thu hút cả nghìn người tới Hoàng thành. Lễ hội áo dài Hà Nội 2016 tới nay vẫn được nhắc là một trong số sự kiện ấn tượng, làm đẹp Hoàng thành. Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng đến hẹn lại lên với sự kiện hội chữ xuân bên Hồ Văn, Ngày Thơ Việt Nam suốt từ năm đầu tiên tổ chức tới nay.

Mượn di tích, di sản lớn thành địa điểm tổ chức sự kiện lâu nay vẫn gây ra ý kiến tranh luận trái chiều. Chẳng hạn TS Nguyễn Hồng Kiên từng có lần phản đối việc cứ mang rơm rạ, tranh tre nứa lá vào Hoàng thành, bởi Hoàng thành không hợp cho việc trang hoàng như thế. Cũng có những người lại lo sợ ô nhiễm âm thanh, ánh sáng khi đưa lễ hội âm nhạc như Gió mùa vào Hoàng thành.

Tuy thế việc đưa sự kiện phù hợp vào di sản, di tích được nhiều nhà quản lý, chuyên gia và người làm du lịch ủng hộ. “Một số di tích tổ chức sự kiện đúng tính chất góp phần bổ sung hỗ trợ di tích. Huế làm rất hay khi tái hiện hoạt động vương triều xưa, có cảnh binh lính đổi gác, đi diễu quân. Về đêm lại có chương trình riêng, trình diễn nhã nhạc cung đình cũng làm cho Đại nội Huế sống động hơn. Những sự kiện văn hóa làm cho giá trị hữu hình nay thêm cả giá trị phi vật thể, khiến di tích trở nên sống động hơn”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty du lịch TransViet nói. Ông Đạt cũng là người tích cực lên tiếng phê phán hoạt động thương mại phản cảm của festival văn hóa truyền thống Việt 2019 ở Hoàng thành Thăng Long.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng không nên cực đoan cấm đoán tổ chức sự kiện tại di tích. “Nên cho di tích đồng hành với cuộc sống đương đại, không nên đóng cửa coi di tích là bất khả xâm phạm. Tôi cho rằng phải tìm được tiếng nói chung hài hòa giữa các bên vừa phục vụ đời sống tâm linh, đời sống xã hội và đảm bảo yêu cầu khi khai thác giá trị của di tích”, PGS Trương Quốc Bình nói.

“Nên cho di tích đồng hành với cuộc sống đương đại, không nên đóng cửa coi di tích là bất khả xâm phạm. Tôi cho rằng phải tìm được tiếng nói chung hài hòa giữa các bên vừa phục vụ đời sống tâm linh, đời sống xã hội và đảm bảo yêu cầu khi khai thác giá trị của di tích”.                           PGS Trương Quốc Bình

QUYỀN TỪ CHỐI

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm sâu sắc, dù chỉ là đơn vị hỗ trợ địa điểm festival Văn hóa truyền thống Việt bán hàng thương mại không phù hợp, bị dư luận chê bai vừa qua. Hoàng thành từng bị một “vố” khi cho mượn địa điểm tổ chức lễ hội hoa anh đào giả, nhưng dường như bài học đó chưa khiến các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động diễn ra ở đây.

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long có riêng Quy chế quản lý tạm thời số 14 năm 2018 do UBND TP Hà Nội ban hành, quy định chi tiết việc nên và không được làm để phát huy giá trị của khu thành cổ. Sự kiện vừa rồi do UBND TP Hà Nội cấp phép, Hoàng thành Thăng Long chỉ hỗ trợ địa điểm vậy Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội bị đẩy vào sự đã rồi? Lãnh đạo Trung tâm xác nhận hoàn toàn có quyền khước từ, tuy nhiên sự kiện được xác nhận đăng ký có vẻ phù hợp, hoạt động văn hóa nghệ thuật tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể đáng hoan nghênh.

Đơn vị tổ chức đã “vẽ” ra dự án tôn vinh giá trị văn hóa rất hay ho, đằng sau lại đưa vào hoạt động thương mại không phù hợp. “Đó là mẹo của người ta. Đơn vị tổ chức như thế làm sai lệch mục đích ban đầu, có những cái thậm chí phản cảm. Điều này cũng làm khó cho đơn vị quản lý di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long bởi họ sẵn sàng ủng hộ sự kiện mang tính văn hóa truyền thống. Trong trường hợp này đơn vị tổ chức chịu trách nhiệm về đạo đức, tâm linh chứ chưa nói đến các trách nhiệm khác”, PGS.TS Trương Quốc Bình phân tích.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám chưa có quy chế quản lý riêng, tuy nhiên ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói rằng không ít lần từ chối sự kiện đăng ký tham gia vì không phù hợp. “Văn Miếu chưa có quy chế riêng, nên chúng tôi chọn các sự kiện theo đúng chức năng của đơn vị như các hoạt động văn hóa, khoa học giáo dục phù hợp với di tích quốc gia đặc biệt vốn là trường đại học đầu tiên của đất nước”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

“Căn cứ từng di tích mà cho phép đưa vào nội dung phù hợp, nên ủng hộ tinh thần đó để phát huy giá trị. Tuy nhiên cơ quan quản lý di tích đó phải chịu trách nhiệm cao, kiểm soát chặt chẽ để tránh hiện tượng phản cảm. Hoàng thành Thăng Long chẳng hạn có quy chế riêng rồi, cứ thế mà làm. Tôi cho rằng phải cân nhắc sự kiện khi đưa vào, xem xét năng lực đơn vị tổ chức và đặc biệt nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý địa điểm và chính quyền địa phương”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói. Ông Động vừa ký báo cáo ngày 12/4 gửi UBND TP Hà Nội về làm rõ thông tin festival văn hóa Hoàng thành, trong đó chỉ thẳng trách nhiệm đơn vị tổ chức và đơn vị tiếp nhận địa điểm khi để xảy ra sự việc phản cảm ở Hoàng thành.

MỚI - NÓNG