Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, ngày 11/7 dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội đã được liên danh Tư vấn là Apave - Bureau Veritas - Certifer (viết tắt Tư vấn ABC) của Pháp cấp chứng nhận an toàn hệ thống để đủ điều kiện hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, sớm chạy tàu.
Theo ông Sơn, đây là khâu thực hiện, trình tự pháp lý cực kỳ quan trọng của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng là thông lệ quốc tế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam (Thông tư 15 - Bộ GTVT), trước khi các dự án đường sắt đô thị đi vào hoạt động, ngoài tư vấn của nhà thầu, tư vấn của chủ đầu tư đánh giá, nghiệm thu thì dự án phải được tư vấn quốc tế (hoạt động độc lập) đánh giá, cấp chứng nhận an toàn. “Có chứng nhận này các dự án đường sắt đô thị mới đủ điều kiện đi vào hoạt động thương mại”, ông Sơn nói.
Dự án và các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao vừa được Tư vấn quốc tế cấp chứng nhận an toàn. |
Cũng theo ông Sơn, hiện một số dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam, trong đó có dự án đã đi vào hoạt động, đã được tư vấn độc lập ABC đánh giá, nghiệm thu, thực tế có dự án đã trải qua cả một năm để tư vấn độc lập làm việc, đánh giá và yêu cầu tinh chỉnh một số vấn đề về kỹ thuật.
Với dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội, tư vấn ABC vào làm việc, đánh giá an toàn hệ thống trong vài tháng là một sự cố gắng lớn của dự án (trong việc hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ) cũng như sự làm việc tích cực của tư vấn.
Cho ý kiến về việc vì sao đoạn trên cao của dự án không thể vận hành thương mại vào thời điểm 30/6 vừa qua, ông Sơn cho biết, theo kế hoạch ban đầu lẽ ra hết tháng tư tư vấn độc lập hoàn thành việc đánh giá an toàn hệ thống, nhưng việc này tư vấn làm việc chi tiết hơn nên kéo dài đến 31/5 mới xong.
Việc tư vấn kéo dài thời gian đánh giá thêm 1 tháng, dẫn đến việc họp thống nhất, đánh giá chéo giữa các liên danh tư vấn để ban hành kết luận (chứng nhận an toàn hệ thống) muộn hơn so với kế hoạch đặt ra. Cụ thể, đến ngày 11/7 chủ đầu tư mới nhận được chứng nhận an toàn dự án đoạn trên cao được tư vấn ABC gửi đến. “Đây là nguyên nhân, khiến dự án chưa thể vận hành đoạn trên cao vào trước 30/6 như dự kiến”, ông Sơn nêu thực tế.
353 nhân sự được đào tạo vận hành tàu Nhổn - ga Hà Nội
Thông tin về thời gian vận hành tiếp theo của dự án, ông Sơn cho biết, sau khi có chứng nhận an toàn của tư vấn độc lập, chủ đầu tư sẽ làm các việc tiếp theo để đưa đoạn trên cao vào hoạt động thương mại. Trong đó có trình toàn bộ hồ sơ đánh giá an toàn hệ thống của dự án, bao gồm cả chứng nhận an toàn của tư vấn ABC lên Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, thông qua.
Bước tiếp theo là mời Hội đồng kiểm tra nhà nước họp đánh giá, thông qua hồ sơ kỹ thuật, nghiệm thu và kịch bản vận hành. "Khi các bước tiếp trên hoàn thành thì đoạn trên cao của dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội mới đủ điều kiện để vận hành thương mại", ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội trong buổi trao đổi thông tin với PV Tiền Phong. Ảnh: Xuân Hưng. |
Theo ông Sơn, các bước này có thể chỉ diễn ra trong thời gian vài tuần, thậm chí lâu hơn nữa tùy thuộc vào lịch làm việc của hai cơ quan được chủ đầu tư trình hồ sơ.
Đề cập đến công tác chuẩn bị đưa các đoàn tàu đoạn trên cao vào hoạt động, ông Sơn cho biết, cả Ban MRB và đơn vị tiếp nhận, vận hành là Công ty Hanoi Metro đã sẵn sàng.
Cụ thể, về phía chủ đầu tư, đã vận hành thử nghiệm các đoàn tàu theo 57 kịch bản được xây dựng một cách an toàn. “Cùng với đó, chủ đầu tư đã hướng dẫn, đào tạo về nghiệp vụ cho 353 nhân sự của công ty vận hành là Hanoi Metro sẵn sàng tiếp nhận, vận hành các đoàn tàu ở đoạn trên cao khi được đưa vào hoạt động thương mại”, ông Sơn thông tin.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án được khởi công năm 2010, sau các lần lỡ hẹn, đoạn đi trên cao của dự án có kế hoạch vận hành thương mại trong năm 2024.