Mệt mỏi thật sự hay lười biếng?

Mệt mỏi thật sự hay lười biếng?
Bạn đang mệt mỏi thật sự hay chỉ là không muốn động đậy chân tay? Đôi khi người ngoài nhìn vào chỉ nghĩ rằng: Ô bạn thật lười? Sự thật có phải như thế? Những lý do phổ biến sau đây có thể đem lại cảm giác mệt mỏi mà bạn không hề biết.

Mệt mỏi thật sự hay lười biếng? ảnh 1

1. Bạn đã ăn những gì?

Bạn nghĩ rằng một tách cà phê thêm đường vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo? Ngược lại, nó có thể gây phản tác dụng khiến bạn mệt mỏi hơn bởi lượng đường trong máu đang “dao động" dữ dội.

Do đó, hãy phục vụ dạ dày bằng các loại trái cây, rau và protein. “Hầu hết mọi người cảm thấy ít mệt mỏi hơn nếu như họ có một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, trọng lượng cơ thể vừa phải bởi béo phì là nguyên nhân không nhỏ khiến cho bạn mệt mỏi suốt ngày”, bác sĩ trường đại học y Hoa Kỳ - J. Fred Ralston nói.

2. Bạn đã ngủ bao nhiêu?

Bạn có ngủ đủ giấc không? Nếu không, hãy tránh cà phê và rượu trong vài giờ trước khi đi ngủ, tắt tivi trước khi ngủ và giữ cho phòng ngủ thật yên tĩnh và thư thái.

3. Bạn đã tập thể dục như thế nào?

Đây là hoạt động rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Hãy rũ bỏ mệt mỏi bằng những bài tập thể dục thường xuyên và hoàn thành nó ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ, bạn sẽ có một thời gian thư giãn tuyệt vời.

Nếu bạn nghĩ rằng tập thể dục chỉ làm cho bạn mệt thêm thì đó là sai lầm. Tập thể dục giống như bạn đang “nuôi dưỡng” năng lượng trong cơ thể vậy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thói quen tập thể dục thường xuyên ít bị ốm và mệt hơn nhiều so với người không tập. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi vận động nhiều sẽ giúp bạn có nguồn năng lượng dồi dào và tinh thần sáng khoái hơn.

Thời gian được khuyến cáo: 40 phút mỗi lần tập và ít nhất 4 lần/ tuần. Cố gắng tập đều đặn, chỉ sau một tháng bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt và duy trì từ 3 đến 6 tháng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều bởi hiệu quả của nó.

Nếu tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc vẫn còn khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức thì cần tìm hiểu thêm những nguyên nhân khác và đi khám sức khỏe. Mệt mỏi “mãn tính” có thể liên quan tới một số bệnh như sau:

4. Thiếu máu

“Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến của sự mệt mỏi và rất đơn giản để kiểm tra bằng cách làm xét nghiệm máu”, giáo sư Sandra Fryhofer tại Đại học Y Emory nói. “Đó là vấn đề đặc biệt đối với phụ nữ, nhất là những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều, bị rong kinh”. Bạn có thể khắc phục tình trạng thiếu máu với một chế độ ăn uống giàu chất sắt như thịt và rau có màu xanh đậm hoặc bổ sung sắt nếu bạn bị thiếu sắt mãn tính.

5. Thiếu hụt dinh dưỡng quan trọng như kali: Bạn có thể kiểm tra bằng xét nghiệm máu.

6. Vấn đề về tuyến giáp: Bệnh tuyến giáp có thể gây ra mệt mỏi, khó chịu trong người. Xét nghiệm máu để đánh giá hormon gây kích thích tuyến giáp và đánh giá chức năng tuyến giáp của bạn.

7. Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát luôn cảm thấy tâm trạng không tốt. Nếu bạn cảm thấy mệt, mắt mờ, đi tiểu nhiều lần, tốt nhất nên đi xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết trong cơ thể.

8. Trầm cảm: Nếu cảm xúc của bạn luôn ở trong tình trạng tồi tệ cộng thêm việc chán ăn thì rất có thể bạn bị trầm cảm. Đừng thu hẹp cuộc sống chỉ một mình, hãy đến bác sĩ hoặc nhà tâm lý để bắt đầu trở lại cuộc sống tươi đẹp đang chờ đón bạn.

9. Vấn đề về giấc ngủ: Nếu bạn cảm thấy không bao giờ được nghỉ ngơi và chẳng có vẻ gì là khắc phục được điều đó thì hãy nghiên cứu về giấc ngủ của bạn, đặc biệt nếu như bạn mắc bệnh ngáy. Ngáy có thể là một phần của bệnh tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, khi đó bạn sẽ bị ngưng thở trong một thời gian ngắn nhưng nhiều lần trong đêm. Hãy đi gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị cho bệnh này.

10. Bệnh tim chưa được chẩn đoán

Mệt mỏi có thể là đấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt là ở phụ nữ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập thể dục hoặc bạn cảm thấy tệ hơn khi tập, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh tim. Nếu có bất kì nghi ngờ nào cần đến gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán bệnh được sớm.

Hãy bắt đầu bằng những điều cơ bản như giấc ngủ, chế độ ăn uống và mức độ hoạt động của bạn. Rất đơn giản khi sửa chữa thói quen để thu lại sự khỏe khoắn, tươi trẻ và yêu đời.

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG