Mẹ Việt của những sinh viên Lào

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều năm qua, những người mẹ Đà thành chăm sóc cho những đứa con nuôi từ đất nước Triệu Voi xa xôi “chân ướt chân ráo” du học xứ người. Từ đây, tình mẫu tử “mẹ Việt – con Lào” được đong đầy thêm từng ngày.

Tình mẹ xuyên biên giới

Cuối tuần, bà Trần Thị Nguyện (66 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tất tả ôm 3 bó hoa to đến hội trường lớn trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng để dự lễ tốt nghiệp của các con nuôi lưu học sinh Lào. Thấy mẹ từ xa, Khambay Borphayboun (39 tuổi, Cao học ngành Kế toán) cười tít mắt, chạy lại đỡ giúp mấy bó hoa. Theo sau bà Nguyện là một đoàn rồng rắn cũng mươi người, đều là các con nuôi lưu học sinh Lào và gia đình của các con nuôi lặn lội từ Lào sang chúc mừng. Vuốt ve tấm lễ phục thạc sĩ của Khambay, bà cẩn thận chỉnh lại tóc tai, mũ áo, đôi mắt ngân ngấn nước. “Nhớ 5 năm trước nó mới sang đây, người đen nhẻm, nói tiếng Việt trọ trẹ mà giờ đã sắp tốt nghiệp rồi”, bà Nguyện xúc động.

Mẹ Việt của những sinh viên Lào ảnh 1

Bà Nguyện dự lễ tốt nghiệp của các con nuôi Lào tại trường ĐH Kinh tế. Ảnh: Giang Thanh

Ôm bà Nguyện nũng nịu, Khambay kể lại những ngày tháng khó khăn khi một thân một mình đến nơi đất khách quê người. Hồi đó, Khambay mới học tiếng Việt được một tháng. Để học ngôn ngữ và tiếp thu văn hóa Việt Nam, cô đăng ký về lưu trú tại các hộ gia đình ở Đà Nẵng. Lần đầu tiên gặp mẹ Nguyện, cô run lắm. Nhưng lúc bố Sáu (ông Đào Trọng Sáu, chồng bà Nguyện – PV) ra hỏi thăm bằng tiếng Lào, cô nhẹ hẳn người. Những ngày sau, cô ở lại với mẹ Nguyện – bố Sáu và được yêu thương như con gái trong nhà. Để giúp cô học tốt tiếng Việt, bố mẹ thay nhau kèm cặp, dắt cô đi đây đi đó để tự tin giao tiếp hơn.

Vốn là giảng viên ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), từ những ngày còn đi dạy, bà Nguyện dành nhiều sự quan tâm cho các lưu học sinh Lào đang học ở trường. Ông Sáu – chồng bà sinh ra và lớn lên ở Lào, nên đối với vợ chồng bà, đất nước Triệu Voi cũng như một phần máu thịt. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, bà tích cực tham gia các mô hình hỗ trợ lưu học sinh Lào như người mẹ thứ 2, Homestay cho sinh viên Lào,… Các con sang đây lạ nước lạ cái, bỡ ngỡ nhiều điều. Lúc đầu, bà giúp các con học tiếng, gỡ vướng những thủ tục, giấy tờ hành chính ở trường. Lâu dần, các con qua lại như người thân trong nhà, hết lớp sinh viên này đến lớp sinh viên khác, không biết bao nhiêu mà kể.

Mẹ Việt của những sinh viên Lào ảnh 2

Hai người mẹ Lào-Việt của Phasut Sengchan lần đầu gặp nhau tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: Giang Thanh

Đứa con nuôi nào tốt nghiệp, bà cũng bận bịu tổ chức liên hoan chia tay, rồi sắm sửa hoa, quà và cùng cả đại gia đình đến chúc mừng các con. Ôm bó hoa trên tay, bà Nguyện kể đó là do con gái đầu của bà chuẩn bị, vì kẹt công việc không đến chia vui với các em được. “Hai đứa con tôi lúc nào cũng “tị nạnh” là mẹ thương các em nuôi còn hơn tụi nó. Hồi xưa 2 đứa tốt nghiệp mẹ còn chẳng biết ngày chứ đừng nói là đến tặng hoa”, bà Nguyện nói vui.

Ông Souphanh Hadaoheunang, Tổng Lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng đánh giá cao các mô hình hỗ trợ, đỡ đầu cho lưu học sinh Lào. “Qua đó, mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên Lào hiểu thêm về phong tục tập quán của người Việt và rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Các em có thêm bố - mẹ thứ hai, có thêm một gia đình yêu thương như ruột thịt. Từ đó, thắt chặt thêm tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước”, ông Souphanh Hadaoheunang nói.

Những ngày cuối năm, bà Phạm Thị Tuyết (72 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng bận rộn hơn hẳn ngày thường. Căn nhà nhỏ rộn ràng, vui vẻ hơn vì sự có mặt của cô con nuôi Lào Sengmany Xong (19 tuổi, sinh viên năm nhất ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Đi đâu, bà Tuyết cũng dắt cô con gái nhỏ đi cùng, dạy con cùng nấu món Việt, rủ con tham gia các chuyến thiện nguyện. Bà Tuyết còn tự tay lựa vải, đặt may cho Sengmany tà áo dài.

Bà Tuyết có 6 con nuôi là lưu học sinh Lào, từng được bà giúp đỡ, chăm sóc từ những ngày đầu sang Việt Nam. Cứ mỗi cuối tuần, các con nuôi cùng bạn bè người Lào đều ghé nhà bà chơi, cùng nấu những món Việt truyền thống. Mỗi khi con nuôi đau ốm, bà lại tất tả ngược xuôi từ nhà sang kí túc xá để coi sóc, nấu tô cháo, cho nắm lá xông, mua thuốc… Từng tham gia chiến đấu ở Lào trong những năm tháng chiến tranh, với bà, tình cảm Việt–Lào luôn là nỗi nhớ thương đau đáu.

Ăn Tết Việt, yêu văn hóa Việt

Kéo vai bà Nguyện thủ thỉ, Lita Manivong (sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa) liệt kê những món Tết muốn được “thử” lại. Năm nay là năm thứ 3 Lita ở lại Việt Nam ăn Tết. Cô bảo cũng “nhờ” dịch bệnh, nên mới biết và yêu Tết Việt. Cứ đến khoảng 28, 29 tháng Chạp, Lita lại gói ghém quần áo để từ kí túc xá sang nhà bà Nguyện ăn Tết. Năm đầu còn bỡ ngỡ, bà chỉ cho Lita từng ly từng tí về phong tục Tết cổ truyền Việt Nam, từ lễ cúng ông công, ông Táo đến nấu nướng, bày mâm cúng Tất niên, giao thừa, đến gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt gừng, mứt dừa,… Giờ thì Lita đã có thể kể vanh vách chuyện Tết Việt.

Mẹ Việt của những sinh viên Lào ảnh 3

Lita Manivong (bìa phải) lần đầu ăn Tết Việt, học cách gói bánh chưng, bánh tét cùng gia đình bà Nguyện. Ảnh: NVCC

Đã ăn 2 cái Tết Việt, Lita và Khambay quen mặt hết họ hàng, lối xóm của mẹ nuôi. Mọi người cũng coi 2 cô như con cái trong nhà, chỉ cho nhiều điều hay, tập tục truyền thống trong dịp Tết. Bà Nguyện dẫn các con nuôi đi chơi, chúc Tết người thân, bạn bè để họ trải nghiệm trọn vẹn nhất Tết Việt.

Lita hớn hở lướt nhanh cả trăm tấm ảnh trong điện thoại, hào hứng khoe về năm đầu tiên ăn Tết. Cô cùng các anh chị lưu học sinh Lào và đại gia đình bà Nguyện làm bánh chưng. “Nhìn em tạo dáng chụp ảnh chuyên nghiệp vậy thôi chứ mấy cái bánh đầu, cái nào em cũng gói hỏng, bị bục nếp ra ngoài. Thấy vậy, mẹ kêu em ngồi kế bên để vừa buộc lạt, vừa học cách gói”, Lita khoe.

Lặn lội từ Lào sang Việt Nam để dự lễ tốt nghiệp thạc sĩ của con, bà Ampon Sengchan xúc động ôm chầm lấy bà Nguyện – người mẹ nuôi mà bà thường nghe cậu con trai Phasut Sengchan (28 tuổi, lưu học sinh Cao học ngành Ngân hàng–ĐH Kinh tế) kể. “Nghe con kể, tôi biết cháu thương mẹ nuôi lắm. Tôi cũng rất xúc động, những ngày tháng con trai tự bươn chải, học hành ở bên này có một mái nhà để cháu trở về, có một chỗ dựa để cháu tìm đến lúc khó khăn. Cái ơn này với tôi lớn lắm”, bà Ampon nói.

Năm nào cũng đón các con nuôi ăn Tết nên bà Nguyện đều kì công chuẩn bị để gói ghém cái Tết trọn vẹn, tròn trịa nhất. Bà Nguyện cùng chồng kì công trang trí nhà cửa với câu đối, tiểu cảnh hoa đào, hoa mai để đón bạn bè của các con nuôi tới chơi, chúc Tết. Cứ tầm 28, 29 tháng Chạp, gia đình bà lại chuẩn bị nếp, đậu, thịt, lá dong… để gói bánh chưng. Tết năm nào, nhà bà cũng gói cả trăm chiếc bánh chưng, phần biếu tặng họ hàng, phần thì tặng các con lưu học sinh Lào ở lại ăn Tết Việt.

Nghe mẹ và em kể về những ngày Tết, mắt Khambay cũng ngân ngấn nước. Sau lễ tốt nghiệp, cô và những người bạn của mình sẽ về lại Lào, không còn được trải nghiệm những ngày Tết vui vẻ, ấm áp bên gia đình mẹ Nguyện. Nghe Lita tếu táo đùa: “Nhớ Tết Việt vậy rồi chị có sang đây học nữa không?”, Khambay gật đầu cái rụp rồi chia sẻ về dự định tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Việt Nam “để ăn chực thêm mấy cái Tết nữa ở nhà mẹ Nguyện”.

MỚI - NÓNG