Mây & Sóng

Mây & Sóng
TP - Hai hôm trước, 143 thân nhân là bố mẹ, vợ con của những người lính Trường Sa đã lên tàu ra thăm đảo. Một hành trình thật đặc biệt, so với ngàn vạn chuyến đi về nối liền vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc suốt bao năm qua.

> Điểm báo quốc tế về vấn đề biển Đông

> Phản đối tàu quân sự Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam

Trước đó, cùng thời điểm này năm ngoái, đã có một chuyến tàu đưa những thân nhân đầu tiên của lính đảo ra với đảo. Ra với những hòn đảo tiền tiêu can trường của đất mẹ, cũng là đưa những người mẹ ra với những đứa con - giọt máu yêu thương của mình.

Trên diễn đàn Mauxanhaolinh.net ghi lại những dòng cảm xúc của cô giáo Đồng Thị Nga ở Hải Dương sau chuyến ra đảo Nam Yết - Trường Sa thăm chồng là Đại úy Đồng Văn Sinh hồi tháng 7-2010. “Đó là lần chia tay thật đặc biệt, lần chia tay đầu tiên, anh ở lại trên đảo, còn em lại là người vào bờ. Chứ còn 14 năm vợ chồng mình lấy nhau, có hàng trăm buổi chia tay, nhưng lần nào người ở lại cũng là em, còn anh thì khoác ba lô ra đi …”.

Hôm nọ, báo Tiền Phong kể một câu chuyện cảm động. Trong chuyến ra Trường Sa đầu năm 2011, khi ngang qua khu vực đảo Gạc Ma – nơi 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo trong sự kiện ngày 14-3-1988, như thông lệ, đoàn công tác dừng lại làm Lễ tưởng niệm. Khi ấy, phóng viên Tiền Phong đã làm một nhiệm vụ đặc biệt.

Trước sóng biển cồn cào, anh đọc to rồi hóa vàng lá thư mà gia đình một liệt sĩ quê ở Khánh Hòa gửi gắm trước đó: “Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát …”. Gió cuốn tro thư bay lên cao trước khi đáp xuống, hòa vào sóng nước Trường Sa. Không thể trực tiếp ra Trường Sa để chạm tay vào nơi ngọn sóng cuốn anh đi, bố mẹ người lính đã ra với con bằng cách ấy …

Tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Mây trắng còn bay” từng làm rơi nhiều nước mắt của nhà văn áo lính Bảo Ninh. Một bà cụ quê mùa ngồi trên máy bay cứ nhấp nhổm hỏi người xung quanh đã bay ngang qua sông Bến Hải chưa. Rồi bất ngờ cụ lấy trong túi ra hương đèn, nải chuối xanh, phẩm oản, tấm ảnh chân dung cắt ra từ trang báo của đứa con trai bày lên cái bàn xếp trước mặt, thắp hương, chắp đôi tay gầy guộc ngồi lặng.

Thì ra con cụ là phi công, chiến đấu hy sinh nơi vùng trời này. Sau ngót ba mươi năm, đồng đội cũ đã giúp người mẹ lam lũ ấy có được chuyến bay đầu tiên trong đời, để lên thắp hương cho mây trắng - miền con mẹ đã ra đi.

Miền mây trắng hay là miền sóng nước – bầu trời và mặt biển của Tổ quốc đều thấm đẫm máu đào của những người con anh hùng. Nơi ấy, bao lớp cháu con khác đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ.

Có thể rất nhiều người cha, người mẹ, người vợ của những người lính chưa một lần được đặt chân đến nơi ấy. Nhưng bằng tâm cảm, nỗi tha thiết, nhớ nhung và sự gánh vác thầm lặng của người hậu phương, họ đã thường xuyên có những chuyến đi – về...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG