Theo quan chức này, “thông tin tình báo với các dấu vết radar của tên lửa đã được cung cấp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ba Lan”. Tuy nhiên, nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về việc tên lửa có thể được phóng từ đâu hoặc bởi ai.
NATO đã thực hiện các chuyến bay giám sát thường xuyên ở sườn phía Đông của liên minh để theo dõi tình hình ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Các chuyến bay được thực hiện bởi một phi đội máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Boeing E-3A, trang bị radar tầm xa và cảm biến thụ động.
Hôm 15/11, truyền thông địa phương đưa tin hai công nhân đã thiệt mạng sau khi một tên lửa rơi trúng làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Warsaw cho biết đây là “tên lửa do Nga sản xuất” và lập tức triệu tập Đại sứ Nga, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga nã tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan, và thúc giục NATO hành động.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ các cáo buộc, khẳng định Mátxcơva không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu gần biên giới Ba Lan – Ukraine. Mátxcơva nói thêm rằng các mảnh vỡ tên lửa không liên quan đến vũ khí của Nga. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy đây là mảnh vỡ tên lửa phóng từ hệ thống phòng thủ S-300 mà Ukraine sử dụng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “không có khả năng Nga đứng sau vụ việc”. “Tôi không muốn nói cụ thể cho đến khi chúng tôi hoàn tất điều tra. Nhưng theo quỹ đạo, không có khả năng tên lửa được bắn bởi Nga”, ông Biden nói.