Vụ nổ ở Ba Lan có thể do Ukraine phóng tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ba Lan nói rằng "một tên lửa do Nga sản xuất" đã rơi xuống khu vực phía đông nước này, khiến 2 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “khó có khả năng” tên lửa được bắn từ Nga.
Vụ nổ ở Ba Lan có thể do Ukraine phóng tên lửa ảnh 1

Cảnh sát Ba Lan có mặt tại hiện trường vụ nổ. (Ảnh: AP)

Vụ nổ mà Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gọi là “hành động leo thang đáng kể” khiến ông Biden phải triệu tập một cuộc họp khẩn của các lãnh đạo G7 và NATO. Hành động tấn công vào thành viên NATO có thể kích hoạt phản ứng quân sự tập thể của liên minh này.

Tuy nhiên, những câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến tên lửa, quan trọng nhất là ai phóng, vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nga phủ nhận liên quan đến vụ nổ.

Ba quan chức Mỹ cho biết đánh giá ban đầu cho thấy tên lửa là do lực lượng Ukraine phóng để chặn tên lửa Nga đang bay tới, trong lúc Mátxcơva đang tấn công hạ tầng điện của Ukraine.

Đánh giá đó và phát biểu của ông Biden từ Indonesia ngược với thông tin mà một quan chức tình báo Mỹ tiết lộ với AP trước đó, rằng các tên lửa Nga đã bay sang Ba Lan.

Chính phủ Ba Lan cho biết đang điều tra và đã nâng cao mức độ sẵn sàng của quân đội. Ông Biden khẳng định ủng hộ cuộc điều tra của Ba Lan.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng tên lửa này "do Nga sản xuất". Tổng thống Andrzej Duda tỏ ra thận trọng hơn, nói rằng tên lửa “có khả năng nhất” là do Nga sản xuất, nhưng nguồn gốc vẫn đang được điều tra.

“Chúng tôi đang hành động bình tĩnh. Đây là một tình huống khó khăn”, ông Duda nói.

Ukraine vẫn còn sở hữu một số vũ khí do Liên Xô và Nga sản xuất, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Quyết định của ông Biden về việc triệu tập cuộc họp khẩn tại Indonesia đã làm đảo lộn lịch trình ngày cuối cùng của thượng đỉnh G20.

Chủ tịch EU Ursula von Der Leyen cho biết các lãnh đạo dự họp đã thảo luận về vụ nổ và bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine.

Ông Biden bị nhân viên đánh thức lúc nửa đêm vì vụ tên lửa và đã gọi điện cho ông Duda để chia sẻ. Trên Twitter, ông Biden hứa “ủng hộ hoàn toàn cuộc điều tra của Ba Lan” và “tái khẳng định cam kết cứng như thép với NATO”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg triệu tập cuộc họp các đại sứ tại Brussels. Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên lịch họp trong ngày 16/11 về vấn đề này.

Thông cáo từ Ba Lan không khẳng định vụ nổ là do lỗi xác định mục tiêu hay tên lửa bị bật khỏi hệ thống của Ukraine.

Cách Ba Lan và NATO sử dụng ngôn ngữ gợi ý rằng họ không coi vụ nổ là hành động tấn công chủ ý của Nga, ít nhất cho đến thời điểm này. Tuyên bố của NATO gọi đây là “sự cố bi thảm”.

Giám đốc CIA William Burns có mặt ở Kiev ngày 15/11, trong lúc loạt tên lửa của Nga tấn công hàng loạt mục tiêu của Ukraine. Ông Burns vẫn ở trong Đại sứ quán Mỹ tại Kiev trong khi đợt tấn công diễn ra.

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đã triệu tập Đại sứ Nga để “yêu cầu lời giải thích ngay lập tức”, Chính phủ Ba Lan cho biết.

Theo AP
MỚI - NÓNG