Hình ảnh động cho thấy hai ngọn lửa mặt trời bùng phát đồng thời vào ngày 23/3 (Ảnh: NASA). |
Việc các cơn bão mặt trời ngày càng tăng dần về tần suất và cường độ cho thấy, "quả cầu lửa" đang ở rất gần đỉnh hoạt động chu kỳ của nó, được gọi là cực đại mặt trời.
Mặt Trời bùng phát gây ra những cơn bão địa từ - giải phóng các hạt tích điện - tương tác với từ trường Trái Đất. Những cơn bão này có thể gây ra cực quang, nghiêm trọng hơn là làm tê liệt hệ thống vô tuyến, định vị hoặc lưới điện ở các quốc gia trong diện ảnh hưởng lên đến vài giờ.
Cơn bão mặt trời kép xảy ra vào ngày 23/3 được phân loại X1.1 (loại X có cường độ cao nhất trong 3 cấp độ). Đây là một sự kiện bất thường vì nó bao gồm 2 vụ phun trào riêng biệt xảy ra đồng thời. Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là "ngọn lửa mặt trời giao cảm".
Nó bùng phát từ một cặp vết đen mặt trời có tên là AR3614 và AR3615, chúng cách nhau hàng trăm nghìn km. Các chuyên gia tại SpaceWeather.com cho biết: "Mặt Trời vừa giải phóng một ngọn lửa mặt trời mạnh đến mức phải cần đến hai vết đen mặt trời mới tạo ra nó".
Sự kiện đã tạo ra bão địa từ cấp G4 vào chiều 24/3. Đây là cơn bão mạnh nhất được ghi nhận kể từ năm 2017. Hậu quả nó đã gây ra tình trạng mất sóng vô tuyến tạm thời ở phía tây Thái Bình Dương và tạo ra cực quang trên bầu trời New Zealand và Australia.
Cực quang xuất hiện ở Úc vào ngày 25/3, sau khi Trái Đất hứng chịu bão mặt trời tấn công (Ảnh: Ian Griffin). |
Đáng chú ý, sự kiện bùng phát này cũng gây ra hiện tượng Steve - sự hiện diện của một điện trường cực mạnh song song với từ trường Trái Đất - ở Alaska (Mỹ). Đây là hiện tượng thường bị nhầm lẫn với cực quang ở vùng cực.
Sự kiện bất thường này là một dấu hiệu khác cho thấy Mặt Trời đang ở gần đỉnh điểm chu kỳ hoạt động 11 năm của nó. Các cơn bão mặt trời tăng tần suất và cường độ khi cực đại mặt trời đến gần.
Một số chuyên gia ước tính, đỉnh điểm của Mặt Trời đã đạt tới, điều đó có nghĩa là hiện tượng này xảy ra sớm hơn 1 năm so với dự báo ban đầu và Mặt Trời sẽ có những vụ phun trào mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng tới.
Các nhà thiên văn học tin rằng, rất có thể cực đại mặt trời sẽ trùng với nhật thực toàn phần tiếp theo, diễn ra vào ngày 8/4, có thể quan sát được ở Bắc Mỹ.
Trong sự kiện này, Mặt Trăng sẽ che khuất một phần Mặt Trời trong gần 100 phút. Điều này đặc biệt gây phấn khích cho công chúng, những người có thể có cơ hội duy nhất để quan sát các vụ phun trào thông qua quầng mặt trời.