Mất 50 năm để thay đổi tư tưởng thích sinh con trai

Mất 50 năm để thay đổi tư tưởng thích sinh con trai
Tình trạng chênh lệch giới tính tại Việt Nam đang ở mức cao, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là nhãn tiền và 1 chính sách mới đang được bàn thảo nhằm giảm thiểu những hệ luỵ này.

Mất 50 năm để thay đổi tư tưởng thích sinh con trai

> Nghi ngại quanh đề án 'sinh hai gái được thưởng tiền'
> Sinh con gái sẽ được ưu đãi, thưởng tiền

Gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có 1 - 2 con có thể được hỗ trợ tiền mặt, ưu tiên cho trẻ gái trong nhiều lĩnh vực
Gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có 1 - 2 con có thể được hỗ trợ tiền mặt, ưu tiên cho trẻ gái trong nhiều lĩnh vực.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số- kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, nhằm can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính, Tổng cục đã hoàn tất đề án đề xuất can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020. cho gia đình sinh con một bề gái và thực hiện tốt chính sách dân số (có 1-2 con).

Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn.

Hệ lụy mất cân bằng giới

Ông Lê Cảnh Nhạc, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại VN vẫn ở ngưỡng rất báo động.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 1999 đến 2005, xu hướng biến động tỉ số giới tính khi sinh chỉ dao động trong khoảng 104 - 109 bé trai/100 bé gái. Nhưng từ năm 2006 bắt đầu gia tăng mạnh sự chênh lệch giới tính, từ 109,8 bé trai/100 bé gái lên 111,9 bé trai/100 bé gái.

Xu hướng này xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Đặc biệt khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ở ngay lần sinh đầu còn khu vực nông thôn chỉ xuất hiện từ lần sinh thứ hai trở đi. Tỉ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên rất cao, 120 bé trai/100 bé gái với cả hai khu vực thành thị và nông thôn.

Ước tính cả năm 2012, tỉ số giới tính khi sinh là 112,3. “Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là nhãn tiền. Các nhà nghiên cứu dự báo VN sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…”, ông Nhạc nói.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này không chỉ là tư tưởng Á đông thích con trai hơn con gái mà còn có cả sự “góp sức” của các kỹ thuật y tế hiện đại. Ngày càng có nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Gần 83% phụ nữ ở thành phố biết giới tính con trước sinh, ở nông thôn tỉ lệ này là gần 75%.

Theo TS Dương Quốc Trọng, so sánh về tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh trong 5 năm trở lại đây (2009 – 2012) là 0,6%/năm với giai đoạn 2005 – 2008 là 1,15%/năm, tỉ số giới tính khi sinh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, và nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, kéo theo một loạt hệ lụy kể trên.

Lo kinh tế, chăm sóc tuổi già cho gia đình sinh con gái một bề

Theo ông Trọng, trước tình trạng thừa nam, thiếu nữ này, kéo theo một loạt hệ lụy đã lường trước, bên cạnh việc thực hiện truyền thông, tăng cường vận động, đánh mạnh vào kinh tế và thực hiện xử phạt nghiêm việc lựa chọn giới tính trước sinh, Tổng cục đã trình Chính phủ Đề án này với mục đích khuyến khích các gia đình sinh con một bề là nữ.

“Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới, không chỉ dừng ở vấn đề bình đẳng giới mà phải có chế độ chính sách ưu tiên với nữ. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào người Việt. Những gia đình sinh hai con gái được xem như là “tuyệt tự”.

Con trai là trụ cột kinh tế gia đình, về già cha mẹ có thể được cậy nhờ… Vì thế, giải pháp về kinh tế là rất quan trọng. Khi có chính sách này, người dân sẽ thấy được Nhà nước rất khuyến khích gia đình sinh con gái, Nhà nước cũng có sự hỗ trợ về kinh tế, như hỗ trợ tiền học, bảo hiểm y tế… sẽ động viên, khuyến khích người dân không quyết tìm mọi cách để có con trai”, ông Trọng nói.

Theo một nghiên cứu đến 82,7% ý kiến được hỏi cho rằng con trai rất quan trọng để nối dõi tông đường, gần 59% để chăm sóc cha mẹ khi về già, ốm đau. Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái. Có tới 11,1% thấy cho rằng chỉ sinh con gái sẽ là người bất hạnh, gần 13% cho biết có con gái là gánh nặng kinh tế… cho thấy nhiều người rất lo lắng không có con trai để cậy nhờ tuổi già. Nay được nhà hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái, hỗ trợ tài chính cho cha mẹ sinh con một bề khi về già thì tư tưởng đó sẽ dần đổi thay.

Theo ông Trọng, Việt Nam đã phải mất 50 năm để thay đổi quan điểm có con đàn cháu đống thì cũng phải mất chừng đó thời gian để dần thay đổi tư tưởng thích sinh con trai hơn con gái.

Ông Trọng dẫn chứng về việc hỗ trợ kinh tế có tác động nhiều đến việc giảm tỉ lệ chênh lệch giới khi sinh. Cụ thể là Trung Quốc đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền cho các gia đình khi sinh con gái, bé gái đi học được cộng điểm, được miễn học phí, bố mẹ của bé gái được hỗ trợ tài chính khi về già nếu không có lương hưu…

Hiện Đề án đã được trình lên Chính phủ và Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành thẩm định đề án. Ông Trọng hi vọng đề án sẽ được phê duyệt để có thể đưa vào áp dụng ngay từ năm 2013 và nếu được thực hiện, cũng cần đến 15 - 20 năm thực hiện mới mang lại hiệu quả.

Theo Tú Anh
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.