21 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh:

Mang thai hộ- ai cấp phép?

Mang thai hộ đang thu hút nhiều dư luận trái chiều liên quan đến những đứa trẻ sau này. Ảnh minh họa: T.L
Mang thai hộ đang thu hút nhiều dư luận trái chiều liên quan đến những đứa trẻ sau này. Ảnh minh họa: T.L
TP - Từ 1/7, người dân sẽ được kinh doanh hàng loạt ngành nghề mới như: Dịch vụ đặt cược; kinh doanh thiết bị phá sóng di động; mang thai hộ; vận chuyển vật liệu phóng xạ... Nhưng tới nay, điều kiện cho những lĩnh vực này chưa có, khiến các cơ quan quản lý và cấp phép kinh doanh lúng túng không biết tạm dừng hay cấp phép không cần điều kiện.

Kinh doanh 6 năm vẫn chưa có điều kiện

Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, hiện có 21/267 ngành nghề đã đưa vào Luật Đầu tư nhưng tới nay chưa có điều kiện kinh doanh. Cụ thể như: Kinh doanh súng bắn sơn; dịch vụ mua bán nợ; dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; dịch vụ ngân hàng mô; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; phân loại trang thiết bị y tế; dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế; xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng… Ngoài ra, còn 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài; 35 ngành, nghề trong điều ước quốc tế quy định hạn chế mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam không hạn chế.

“Ở Việt Nam, bộ ngành nào cũng muốn quy định quyền ảnh hưởng của mình, ai cũng nhận mình liên quan và quy định nọ kia để quản lý. Nhưng khi có chuyện, nói trách nhiệm lại không phải của riêng ai, đùn đẩy”.    

Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Điển hình như kinh doanh trò chơi bắn súng sơn. Trò chơi này vào Việt Nam từ năm 2008, với nhiều cơ sở tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh mới này chưa có văn bản cụ thể quy định về điều kiện để được kinh doanh. “Việc xin phép kinh doanh vẫn dựa trên mối quan hệ là chính, nên rất khó nói”, chủ một cơ sở trò chơi súng bắn sơn cho biết.

   

Trước đó, tháng 8-9/2014, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an TPHCM) đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi bắn súng sơn trên địa bàn. Kết quả, hầu hết các cơ sở không trình được giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ cho số súng bắn sơn đang kinh doanh.

Dù Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực từ 1/1/2015 và đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhưng tới nay, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể điều kiện để được thực hiện ngành kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, việc công bố rõ 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014  là bước tiến lớn. Trước đây, việc xác định 1 ngành thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan nào rất khó. 

“Ở Việt Nam, bộ ngành nào cũng muốn quy định quyền ảnh hưởng của mình, ai cũng nhận mình liên quan và quy định nọ kia để quản lý. Nhưng khi có chuyện, nói trách nhiệm lại không phải của riêng ai, đùn đẩy. Điều này có thật vì phát triển kinh tế không, nhiều điều kiện đưa vào quy định để làm gì?”, ông Nội đặt câu hỏi.

Lại phải viện tới Thủ tướng

Ông Nguyễn Nội cho biết, hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang rà soát và xin ý kiến các bộ ngành về 128 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài. “Những ngành nghề này nếu ngày 1/7 chưa có điều kiện kinh doanh sẽ xem như không có điều kiện, hoặc điều kiện như với nhà đầu tư trong nước. Không phải chưa có điều kiện là dừng cấp phép”, ông Nội nói. Với 21 lĩnh vực chưa có điều kiện kinh doanh (với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước), theo ông Nội, cũng chưa biết sau ngày 1/7 sẽ xử lý thế nào.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, với 21 ngành nghề chưa có điều kiện, tại thời điểm này xem như không có điều kiện kinh doanh. Do đó người dân phải được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, không thể dừng được, dừng là trái luật. 

“Sau này nếu doanh nghiệp có lỗi gì cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm, không phải trách nhiệm thuộc về người dân. Phải tiếp cận như vậy người ta (các bộ ngành – PV) mới suy nghĩ để làm điều kiện kinh doanh. Nếu dừng chưa biết tới bao giờ mới có điều kiện. Ngoài ra, nếu dừng là vi hiến”, ông Cung nói.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý; đồng thời quyết định hướng xử lý với ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh sau ngày 1/7.

 “Từ 1/7, có cấp phép cho ngành nghề thiếu điều kiện kinh doanh hay tạm dừng phải đợi ý kiến các bộ ngành và Thủ tướng, chúng tôi cũng chưa biết thế nào”, ông Tuấn nói.


MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.