Mang mối lo to hơn vỡ ống nước, Hà Nội tìm nguồn nước mới

TP - Đường ống nước mặt sông Đà vỡ 9 lần liên tiếp khiến Hà Nội phải khẩn cấp xây tuyến ống số 2 đưa nước từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội). Cùng với đó, thành phố đang ráo riết tìm kiếm nguồn nước mới để không quá lệ thuộc vào nguồn nước mặt sông Đà.

Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng, không chỉ dừng lại ở việc gấp rút đầu tư xây dựng tuyến đường ống số 2 dẫn nước sông Đà về Hà Nội, TP đang khẩn trương tìm thêm các nguồn nước mới. 

Cụ thể, UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo Công ty nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng. Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ cấp nước cho khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; một phần đô thị phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng Hòa Lạc và Xuân Mai); các đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn; dọc theo trục Đại lộ Thăng Long; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai III đến vành đai IV và khu vực nông thôn liền kề). 

“Quy mô ban đầu của nhà máy này khoảng 300.000 m3/ngày, đêm. Đến năm 2050, công suất sẽ nâng lên gấp đôi, khoảng 600.000 m3/ngày, đêm. Dự án này sẽ huy động nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á”, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết. 

Mang mối lo to hơn vỡ ống nước, Hà Nội tìm nguồn nước mới ảnh 1 Nhiều khu vực Hà Nội luôn trong tình trạng thiếu nước sạch.  Ảnh: Như Ý

Theo đánh giá ngay cả khi tuyến ống mới hoàn thành, Hà Nội vẫn phải đối diện một mối lo khác, còn lớn hơn vỡ đường ống nước sông Đà. Theo Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Không chỉ cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, các kết quả quan trắc nguồn nước ở Hà Nội vài năm gần đây cho thấy, nguồn nước ngầm có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm. 

Tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Vài năm trở lại đây, các hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng... đều phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt bởi nước ngầm thường có mùi tanh rất khó chịu.

Giải pháp cho vấn đề, Hà Nội phải chuyển dần sang khai thác nước mặt trước khi các nhà máy nước ngầm trong nội thành như Hạ Đình, Tương Mai và Pháp Vân sẽ lần lượt đóng cửa trong 6 đến 16 năm nữa. 

Cụ thể, với khu vực phía Đông Thủ đô, theo quy hoạch Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đặt ở khu vực Phù Đổng (Gia Lâm). Công suất của nhà máy này đến năm 2020 là 300.000m3/ngày, đêm. Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cấp nước cho quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên và một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... Trong những năm tới, Hà Nội sẽ có 24 nhà máy nước, trong đó có ba nhà máy nước mặt là Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống, với tổng công suất cấp nước năm 2020 là 1,14 triệu mét khối/ngày đêm. Hệ thống khai thác nước mặt sẽ dần thay thế cho nguồn nước ngầm đang dần suy kiệt và ô nhiễm.   

Ngoài ra, Hà Nội còn một nguồn nước ngầm rất quý khác chưa được khai thác. Ông Tống Ngọc Thanh- Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho biết, đó là nguồn nước dưới đất nằm ở tầng Neogen vùng TP Hà Nội. Ở độ sâu 180-250 m, nước trong tầng Neogen có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Ở một số địa điểm như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân (quận Hoàng Mai), một số doanh nghiệp đã đưa vào khai thác, phục vụ cấp nước cho ăn uống sinh hoạt. 

Theo kết quả điều tra, chất lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới mức cho phép. Đương nhiên, khai thác ở các tầng nước ngầm sâu hơn thì chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn. Song, theo các chuyên gia, lợi ích về lâu dài là rất rõ bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước này. 

Tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.