Mang họa vì tin thầy lang, thầy cúng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa Đắk Lắk vẫn còn tình trạng sinh con tại nhà, bị bệnh thì tìm đến thầy lang, thầy cúng thay vì đến bệnh viện dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Gần 1 tháng nhập viện điều trị, em Nguyễn Thị Hoàng Hải Y (11 tuổi, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) vừa được bác sĩ phẫu thuật, cấy da vào phần chân bị hoại tử. Trước đó, cuối tháng 11, Hải Y. ở nhà trông em thì bị rắn cắn vào bàn chân. Sau đó, gia đình đưa đến thầy lang đắp lá rừng. Qua 1 ngày đêm, chân của Hải Y càng sưng to, người nhà mới đưa em đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp. Sau đó, Hải Y được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong trạng thái hôn mê, bàn chân tím tái, sưng to, da bị phồng rộp.

Mang thai lần thứ 5, người phụ nữ tên W (35 tuổi, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) nhờ “mụ vườn” đỡ đẻ tại nhà. Không may chị W bị tai biến vỡ tử cung. Ngày 15/11, chị W được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng mất máu, mệt nhiều, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ xác định, sản phụ này được “bà mụ vườn” đỡ đẻ và quá trình đỡ đẻ có sử dụng vật cứng để nạo lòng tử cung. Sau khi sinh, bệnh nhân mệt dần, bụng chướng, đau liên tục, máu ra ngày càng nhiều. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc mất máu nghi do vỡ tử cung, tiên lượng rất nặng, có thể tử vong sau mổ. Rất may, sau 17 ngày điều trị, hồi sức tích cực, chị W thoát cửa tử.

Mang họa vì tin thầy lang, thầy cúng ảnh 1

Cán bộ y tế huyện Ea Súp thăm khám sức khỏe cho trẻ em

Một bé trai 9 tháng tuổi (dân tộc Mông, trú cụm 10, xã Cư K’bang) đã tử vong vì bệnh tiêu chảy cấp. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh, tuy nhiên gia đình tự điều trị ở nhà, sau đó còn đem con đi gặp; nhờ thầy cúng. Một tuần sau, bệnh nhân chuyển nặng, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp cấp cứu nhưng đã muộn.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho hay, tại các cụm dân cư tự phát thuộc xã Cư K’bang, Ea Lê, Cư M’lan… vẫn còn tình trạng sinh con tại nhà, bị bệnh thì nhờ thầy lang, thầy cúng. Phần lớn người dân đồng bào dân tộc từ phía Bắc vào, nhận thức còn hạn chế, cộng thêm đời sống khó khăn nên ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Những năm qua, cán bộ y tế thôn buôn nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân ở khu vực trên song để thay đổi nếp nghĩ là cả quá trình lâu dài. Theo bác sĩ Hữu, cần đa dạng hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ khám chữa bệnh vùng sâu vùng xa nhiều hơn để người dân tránh bị tiền mất, tật mang, thậm chí mất mạng vì tin vào các thầy lang, thầy cúng.

MỚI - NÓNG
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.