Người dân xót xa vì hàng chục nghìn m2 rừng trồng bị chặt hạ, chết khô sau phân định ranh giới
TPO - Người dân Đà Nẵng phản ánh việc Ban quản lý (BQL) Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng bàn giao đất rừng ở khu vực chồng lấn, giáp ranh với Quảng Nam dẫn đến việc nhiều diện tích keo trồng bị chặt, chết khô và cao su không được phép khai thác.
Người dân phản ánh việc rừng keo của mình ở địa phận Quảng Nam bị chặt hạ sau khi bàn giao đất rừng chồng lấn. (Video: Nguyễn Thành)
Theo phản ánh của Bà Đặng Thị Lợi (61 tuổi, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), từ năm 2009, bà nhận ủy quyền phần đất trong Hợp đồng giao khoán và phần đất khai thác thêm của 2 người khác với tổng diện tích là 21ha. Hồ sơ ủy quyền có xác nhận của Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Đà Nẵng (nay là BQL Rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, TP. Đà Nẵng). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khi BQL thanh lý hợp đồng để bàn giao đất cho huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) thì bà không được thông báo. Việc này dẫn đến hơn 10ha keo của gia đình bà bị lực lượng chức năng huyện Đông Giang chặt hạ mà không có hỗ trợ, đền bù gì. Bức xúc, bà đã gửi đơn khiếu nại 2 năm nay.
Phúc đáp khiếu nại của người dân, UBND huyện Đông Giang cho biết, huyện nhận bàn giao thực địa tổng diện tích hơn 6,4ha đất giao khoán chồng lấn, theo 15 mốc ranh giới hành chính giữa 2 địa phương và không nhận bất cứ hồ sơ nào liên quan đến đất và tài sản trên đất của bà Đặng Thị Lợi. Trên cơ sở hồ sơ bàn giao, UBND huyện đã thực hiện các thủ tục đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Đối với diện tích ngoài hồ sơ giao khoán, UBND huyện Đông Giang cho hay, đã ban hành 2 thông báo tìm chủ sở hữu tài sản. Sau thời gian niêm yết theo quy định, không có tổ chức, cá nhân nào liên hệ xác nhận tài sản nên huyện đã thông báo kết luận tài sản vô chủ và tiến hành xử lý theo đúng quy định.
Cũng theo UBND huyện Đông Giang, việc bà Lợi khiếu nại là vấn đề dân sự giữa bà và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ủy quyền giao khoán và xác nhận ủy quyền giao khoán, việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng Đà Nẵng, không thuộc phạm vị giải quyết của huyện Đông Giang (Quảng Nam).
Mới đây, gia đình bà Lợi đã tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Đồng thời, đã gửi đơn khởi kiện BQL Rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đến TAND TP. Đà Nẵng để giải quyết vụ việc. Trong đó, yêu cầu tòa án hủy bỏ việc thanh lý hợp đồng giao khoán rừng với các cá nhân liên quan; Hủy bỏ việc bàn giao diện tích đất rừng (gồm đất trong và ngoài hợp đồng) cho huyện Đông Giang vào ngày 6/5/2022. Đồng thời, yêu cầu tòa tuyên bồi thường thiệt hại tài sản trên đất canh tác cho gia đình bà.
Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cho biết: Đơn của người dân gửi Chủ tịch UBND TP đã được Sở NN&PTNT chuyển xuống cho Chi cục Kiểm lâm TP xem xét. Trong tuần tới, Chi cục sẽ có phản hồi cho công dân về việc này. Đồng thời, cho biết, BQL Rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa chỉ trực tiếp thông báo và thanh lý hợp đồng với người trước đây được BQL Rừng phòng hộ Đà Nẵng giao khoán theo hồ sơ giấy tờ.
Riêng việc người dân không được phép khai thác cây đã trồng, dẫn đến thiệt hại, ông Dũng cho biết: Trước đây, BQL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho phép người dân khai thác. Tuy nhiên, năm 2023, cơ quan Thanh tra kết luận việc này không đúng quy định theo Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ năm 2019. Do đó, buộc BQL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phải chấp hành, không thể làm khác.
Liên quan đến việc xử lý các thiệt hại của người dân, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cho biết, theo quy định phải tiến hành thanh lý các hợp đồng giao khoán trước đây là rừng sản xuất, rừng phòng hộ nhưng nay trong quy hoạch thuộc rừng đặc dụng. Ở Đà Nẵng hiện nay có rất nhiều trường hợp như thế này. Theo luật buộc phải thanh lý, nhưng trước khi thanh lý phải có chính sách hỗ trợ đối với người dân đã tổ chức trồng rừng. “UBND TP đã giao cho Sở NN&PTNT triển khai rà soát hết các hợp đồng giao khoán rừng trên tất cả các quận, huyện… Việc thu hồi đất rừng giao khoán phải đi kèm cơ chế hỗ trợ cho người dân vì họ bỏ công sức trồng và chăm sóc cây. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ tổng hợp đề xuất thành phố phương án xử lý. Nhưng nếu phát hiện các trường hợp có chuyển nhượng sẽ phải thanh lý ngay", ông Dũng cho biết.