Quảng Nam: Điều tra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở Phước Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường cây rừng tự nhiên ở xã Phước Kim (Phước Sơn, Quảng Nam) bị đốt cháy hồi tháng 5/2021. Vụ việc đang được điều tra. Ảnh: N.D
Hiện trường cây rừng tự nhiên ở xã Phước Kim (Phước Sơn, Quảng Nam) bị đốt cháy hồi tháng 5/2021. Vụ việc đang được điều tra. Ảnh: N.D
TPO - Cơ quan chức năng huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đang tiến hành điều tra một vụ phá rừng quý hiếm xảy ra tại rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Phước Kim. Trước đó, vào tháng 5/2021, một vụ cháy rừng nghiêm trọng cũng xảy ra tại xã Phước Kim đang được điều tra nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Chặt phá cây rừng quý hiếm

Ngày 5/11, ông Nguyễn Văn Tình, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết: Đơn vị đang phối hợp với công an, viện kiểm sát nhân dân huyện để tiến hành điều tra làm rõ một vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ Phước Sơn thuộc địa phận xã Phước Kim.

“Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, cơ quan công an đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin. Khi có kết luận cuối cùng, hạt sẽ thông tin cụ thể”, ông Tình cho biết.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng công an huyện Phước Sơn cũng xác nhận: Công an huyện cùng các đơn vị liên quan đã vào hiện trường vụ phá rừng ở Phước Kim để đo đạc, lập hồ sơ và tiến hành các bước điều tra theo quy định.

Quảng Nam: Điều tra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở Phước Sơn ảnh 1

Ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn chỉ vị trí rừng phòng hộ bị chặt phá. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn cho biết: vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 8, tiểu khu 688 thuộc địa phận xã Phước Kim do Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn quản lý, bảo vệ. Vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng bởi cây rừng bị lâm tặc chặt phá là cây gỗ gõ thuộc nhóm cây gỗ quý hiếm (2A).

“Mức độ vi phạm ở khung hình sự. Vụ việc nghiêm trọng, coi thường pháp luật nên Sở NN&PTNT tỉnh, UBND huyện đã yêu cầu các lực lượng liên ngành khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc để răn đe”, ông Ngọc cho hay.

Trách nhiệm của chủ rừng?

Đáng chú ý, tại địa phận xã Phước Kim hồi tháng 5/2021, một vụ đốt thực bì để trồng rừng thay thế gây cháy rừng nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại khoảnh 3,4,5 thuộc tiểu khu 689 do Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn quản lý, bảo vệ. Khu vực này thuộc dự án trồng rừng thay thế do Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Phước Sơn làm chủ đầu tư, chủ yếu trồng cây lim xanh, sao đen… diện tích trong thiết kế được tỉnh phê duyệt là 20ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn đã hợp đồng với Công ty TNHH Tuấn Zin xử lý thực bì toàn bộ diện tích này.

Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn sau đó đã kiểm tra, phát hiện khu vực trồng rừng thay thế tại khoảnh 3,4,5 quy hoạch chức năng phòng hộ đã bị đốt với diện tích 20ha. Đáng chú ý, trong số 20ha có 0,72 ha rừng tự nhiên. Hồ sơ vụ việc sau đó đã được chuyển công an huyện điều tra xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Quảng Nam: Điều tra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở Phước Sơn ảnh 2
Trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành

Trong lúc chờ kết quả điều tra vụ cháy rừng, thì rừng phòng hộ tại xã Phước Kim tại bị chặt phá cây gỗ quý hiếm khiến dư luận địa phương đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn trong việc quản lý, tuần tra, bảo vệ rừng?

Giải thích việc này, ông A Lăng Ngọc cho rằng: Việc tuần tra bảo vệ rừng phải tiến hành liên tục. Tuy nhiên, có những thời điểm mưa gió lớn anh em làm nhiệm vụ không thể đi tuần được, trong khi đối tượng lâm tặc luôn tìm mọi cách để vào rừng. Vụ phá rừng ở xã Phước Kim vừa được phát hiện xảy ra vào thời điểm dịch bùng phát, kèm theo mưa lớn nên gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng của Ban phát hiện được các đối tượng nhưng không bắt được. Theo tình nghi, nhận diện ban đầu, các đối tượng phá rừng từ địa phương khác chứ không phải người dân của xã Phước Kim.

"Rừng núi bao la mênh mông như thế thì làm sao mà có người đứng ôm cây gỗ, ôm cả khu, ở cả ngày đêm trong rừng được. Chúng tôi đã làm hết sức, hết trách nhiệm rồi”, ông Ngọc nói.

Cũng theo Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn, với phương tiện máy móc, việc khai thác gỗ chỉ xảy ra trong tích tắc. Khai thác vào ban đêm thì anh em cũng chịu. Chỉ có trường hợp có tin báo nhân dân thì anh em mới có thể phục bắt.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Vụ cháy rừng ở Phước Kim đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện từ tháng 8, đến nay anh em công an huyện đang điều tra. Riêng vụ phá rừng đang chỉ đạo các lực lượng vào cuộc. "Hiện, huyện đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm của các vụ việc. Sai phạm tới đâu, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào huyện sẽ xử lý theo quy định”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.