Màn nghi binh 'cao tay' của Mỹ khiến Syria không kịp trở tay

TPO - Hai tàu USS DOnald Cook và USS Winston Churchill của Mỹ chở theo 90 tên lửa Tomahawk đã cùng lúc có mặt tại Địa Trung Hải, nhưng thực tế lại không tham chiến trong cuộc không kích tối 13/4 nhằm vào Syria.

Không lâu sau khi đe doạ sẽ đáp trả Syria về việc sử dụng vũ khí hoá học, Mỹ thông báo điều tàu khu trục USS Winston Churchill đến vùng biển Địa Trung Hải để gia nhập đội tàu gồm các tàu chiến khác của Mỹ, trong đó có tàu khu trục USS Donald Cook.

Hai tàu USS Donald Cook và USS Winston Churchill chở theo hơn 90 tên lửa Tomahawk – loại vũ khí chính được Mỹ sử dụng trong cuộc không kích nhằm vào Syria. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai tàu này đều không trực tiếp tham chiến.

Theo Bloomberg, việc điều tàu khu trục mang tên lửa đến Địa Trung Hải chỉ là động thái nghi binh của Mỹ, nhằm đánh lạc hướng Nga – Syria, khiến hai nước không kịp trở tay phòng thủ.

Màn nghi binh 'cao tay' của Mỹ khiến Syria không kịp trở tay ảnh 1

Tàu USS Winston Churchill. Ảnh: Hải quân Mỹ

21h ngày 13/4 (giờ Mỹ), trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có bài phát biểu hùng hồn trên truyền hình, thì 105 chiếc tên lửa của Mỹ - Anh - Pháp đã đồng loạt hướng về Syria.

Theo Lầu Năm Góc, các tên lửa này được phóng từ biển Đỏ, Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải theo 3 hướng để áp đảo bất kì hệ thống phòng thủ tên lửa nào do quân đội Syria triển khai.

Trong đó, hai máy bay ném bom B-1B từ căn cứ không quân Al Udeid (Qatar) phóng 19 tên lửa không-đối-đất, tàu ngầm USS John Warner và tàu tuần dương USS Monterey phóng lần lượt 6 và 30 tên lửa hành trình Tomahawk, tàu USS Laboon phóng 7 chiếc Tomahawk từ biển Đỏ, tàu khu trục USS Higgins phóng 23 quả Tomahawk từ phía bắc Vịnh Ba Tư.

Một số vũ khí khác được sử dụng bao gồm tên lửa hành trình SCALP-EG của Pháp và tên lửa Storm Shadow được phóng từ chiến đấu cơ Tornado và Typhoon của Anh.

Màn nghi binh 'cao tay' của Mỹ khiến Syria không kịp trở tay ảnh 2

Tàu USS Monterey phóng tên lửa vào Syria hôm 14/4. Ảnh: Hải quân Mỹ

Kết thúc chiến dịch, Lầu Năm Góc cho biết các vũ khí Mỹ dễ dàng tấn công mục tiêu ở Syria mà không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào từ quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trung Tướng Mỹ Kenneth McKenzie tiết lộ hệ thống phòng thủ của Syria chỉ được kích hoạt sau khi một số căn cứ nước này trúng tên lửa Mỹ và các đồng minh, chứng tỏ kế nghi binh trên biển Địa Trung Hải của Mỹ đã đạt được thành công nhất định.

Màn nghi binh 'cao tay' của Mỹ khiến Syria không kịp trở tay ảnh 3

Một cơ sở nghiên cứu gần Damascus bị phá huỷ sau cuộc không kích của Mỹ và đồng minh. Ảnh: AFP

Phía Nga, trong khi đó, lại đưa ra thông tin trái ngược, khi cho biết Syria đã bắn hạ thành công 71 trong số hơn 100 tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định các tên lửa “mới và thông minh” Mỹ bị đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ do Liên Xô sản xuất từ những năm 1960, thay vì các hệ thống phòng thủ hiện đại đang được Nga triển khai tại Syria.

Theo Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG