Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Mãi là bản anh hùng ca bất tử

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi sức khỏe gia đình ông Trần Văn Lai và bà con chòm xóm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi sức khỏe gia đình ông Trần Văn Lai và bà con chòm xóm.
TP - Ngày 31/1, tại TPHCM, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước, lãnh đạo TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã đến dự.

Tham dự lễ kỷ niệm còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước; các lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân và những người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lãnh sự quán nhiều nước và đông đảo quần chúng nhân dân.

Diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tổ chức long trọng đúng vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2018) với rất nhiều tình cảm cao quý, cảm xúc đặc biệt của các thế hệ hôm nay. Chúng ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ, tri ân công lao của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, những người con ưu tú đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, đã chiến đấu anh dũng hy sinh để chúng ta có được một đất nước hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

“Chúng ta mãi mãi tự hào về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại, sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết lên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và bằng tinh thần xả thân sẵn sàng hy sinh xương máu của đồng chí, đồng bào chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình”, ông Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới để tạo động lực, hành trang và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai nhưng tuyệt đối không được chủ quan, không thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta luôn tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức dẫn dắt toàn dân tộc vững bước đi lên, thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa để tiếp nối một cách xứng đáng sự hy sinh to lớn, niềm tin của quân và dân ta của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và đảng viên đi trước.

 Trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Bí danh Tư Cang) khẳng định: Những tấm gương hy sinh anh dũng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay cũng như mai sau về truyền thống kiên cường, bất khuất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc… Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của bao lớp đồng bào, chiến sĩ đã làm nên lịch sử.

Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, bạn Nguyễn Thị Phương Nghi (trường Đại học Quốc tế Đại học Quốc gia TPHCM, sinh viên 5 tốt cấp trung ương) xúc động: Tuổi trẻ Việt Nam mãi mãi tự hào, thành kính tri ân những anh hùng chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, những người con ưu tú của quê hương, trong đó có những chàng trai cô gái tuổi thanh xuân sẵn sàng xả thân xông vào lửa đạn chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng làm nên những trận đánh vang dội trên khắp các chiến trường, vào tận sào huyệt kẻ thù, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975

“Tuổi trẻ hôm nay phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, luôn học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học và năng lực thực tiễn để trở thành lớp thanh niên vừa hồng vừa chuyên, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”, Phương Nghi bày tỏ.

Tổng bí thư thăm hầm giấu vũ khí đánh Dinh Độc Lập

Ngay sau khi dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) và thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ biệt động đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Căn nhà của ông Lai hiện là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây có căn hầm bí mật chứa vũ khí do gia đình ông Lai xây dựng phục vụ trận đánh Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Từ năm 1966 đến 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã bí mật chuyển đến căn hầm này hơn 2 tấn vũ khí.

MỚI - NÓNG