Mãi còn đạo thày trò

Mãi còn đạo thày trò
TP - Cô giáo chủ nhiệm tôi 2 năm cấp 3 mất cách đây đôi năm. Mỗi lần nghĩ đến cô, tôi lại nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Liên Xô Iuri Bônđarép. Truyện kể về một tổng công trình sư nổi tiếng trở về thăm thành phố quê hương.

Ông đi lang thang trên các con phố cũ và chợt nhìn thấy một ngôi nhà quen quen. Đó là nhà cô giáo chủ nhiệm xưa. Ông rẽ vào thăm và kinh ngạc thấy rằng sau rất nhiều năm không gặp, cô vẫn dõi theo từng bước thành công của ông, trên tủ sách của cô có cuốn sách ông viết, trong đó kẹp tấm ảnh của ông cắt ra từ trong bài báo tường thuật lễ công bố một công trình khiến ông nổi tiếng. Không chỉ về ông, một người thành đạt và nổi tiếng, mà cả các học trò khác trong lớp, khi ông nhắc đến ai, cô đều nhớ một vài đặc điểm hoặc chuyện cũ của họ, biết một chút thông tin về họ. Có điều, khi ông hỏi thì được biết rất ít người về thăm cô giáo. Trên đường trở về Thủ đô, khi tàu dừng lại lâu ở một ga lớn, tổng công trình sư đã xuống gửi một bức điện cho cô giáo. Chỉ có đúng một dòng: “Xin cô tha thứ cho chúng em”.

Cô giáo tôi cũng như thế. Thảng hoặc về quê tôi đến thăm, cô xử sự giống lạ thường với cô giáo trong truyện ngắn mặc dù có lẽ cô chưa từng đọc nó.

Có phải tôi và thế hệ tôi đã may khi có những thày cô giáo như thế? Tôi từng đặt câu hỏi đó khi nghe và đọc về những chuyện không hay về tình thày trò thời nay. Có phải cái “đạo” đó đã sụp đổ? Thực sự tôi không tin vào điều đó. Với những căn cứ có thật.

Tôi nhớ đến cô giáo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phản biện luận văn tốt nghiệp của tôi đã nhẹ nhàng đẩy lại cái phong bì tôi đưa và sau buổi bảo vệ đã nói nhỏ vào tai tôi rằng “thật ra tôi nhận ra một đoạn trong luận văn của anh nói về “kinh doanh báo chí” không đúng với quan điểm nhưng tôi không nói ra hội đồng vì thấy nó có tính thực tiễn. Nếu anh định áp dụng ở báo anh thật thì phải sửa chỗ đó đi”. Tôi cũng nhớ lần con gái học Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội về nhà mắt đỏ hoe, kể “cả lớp con khóc vì sang năm cô chủ nhiệm con không dạy lớp con nữa”.

Tôi đọc báo và chắc sẽ không quên câu chuyện thày Nay Lít, giáo viên Trường tiểu học Ea Sol thuộc xã vùng sâu Ea Sol, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk, hằng ngày điểm danh xong là gửi lớp lại cho đồng nghiệp, phóng xe đến buôn, đến nhà, đến rẫy, đến những nơi trẻ thường hay lui tới chơi để đón các em vắng mặt về lớp. Tương tự là thày Lê Thanh Phong và các thày cô ở trường xã biên giới Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng thường xuyên đi tìm trò trốn học, có khi phải sang cả bên kia biên giới... Ám ảnh mãi tôi là đoạn phóng sự của một đồng nghiệp đăng trên Tiền Phong về các cô giáo trẻ dạy học vùng cao, thiếu thốn cộng với nước độc, sốt rừng khiến cho buổi tối các cô ngồi chuẩn bị bài, “tóc rụng xuống đầy giáo án”.

Đúng là nghề giáo và nhiều thày cô giáo, cũng như cũng nhiều người thuộc các tầng lớp khác, làm các nghề nghiệp khác, bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơ chế thị trường ngày nay và đã xảy ra nhiều chuyện không vui, nhưng tin chắc rằng mãi còn đó số đông thày cô ngày đêm tận tụy vì học trò, giống như thế giới này, cuộc đời này vốn dĩ tồn tại được và hướng mãi tới tương lai chính bởi và chỉ bởi những điều tốt đẹp.

Đạo thày trò còn khi sự học còn.

MỚI - NÓNG
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
TPO - Luôn trăn trở bồi đắp những giá trị sống tốt đẹp cho giới trẻ, anh Lãnh Văn Mùi (SN 1990) - Bí thư Đoàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã dành nhiều tâm huyết, triển khai các hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Anh vừa được Tỉnh Đoàn Nghệ An tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc năm 2024.
Lý do Thanh Hóa thu hút khách du lịch
Lý do Thanh Hóa thu hút khách du lịch
TP - Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa - cho biết, ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thanh Hóa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng.
Sông Sài Gòn đoạn trung tâm TPHCM Ảnh: Phục Lễ
Phong vị Sài Gòn
TP - Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới? Ngay những người hàng ngày hàng giờ sống ở thành phố này đã và đang tự hỏi Sài Gòn có gì lôi cuốn người tại chỗ và khách phương xa?