Ma mị vũ điệu miền Sơn Cước

 Vũ điệu kết đôi. ảnh: HHN
Vũ điệu kết đôi. ảnh: HHN
TP - Sự mẫn cảm về âm nhạc và nhịp điệu là thuộc tính của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Đặc biệt họ rất yêu múa, thích múa, cần được nhảy múa như cần không khí để thở. Múa để nói lên tiếng lòng của mình, múa để làm vừa lòng thần linh và cả ma quỷ.

Phiêu linh cùng vũ điệu Chu ru

6 sơn nữ tuổi mười tám, đôi mươi đẹp hoang dã tựa đóa lan rừng với đôi mắt long lanh đen láy, nước da mịn màng màu đồng hun ửng hồng trong nắng gió cao nguyên.

Diện bộ váy truyền thống với áo cánh ngắn bó sát người làm nổi bật bộ ngực tròn và vòng eo thon thả, ríu rít nói cười và tranh nhau hái những đóa hoa sim tím biếc bên đường cài lên mái tóc. Các sơn nữ trông thật quyến rũ, điệu đà nhưng cũng rất hồn nhiên.

Đang bì bõm lội suối chợt nghe tiếng trống sơng gơr giục giã, nhịp chiêng sar rnăm ngân dài vang vọng từ vách núi và điệu kèn sáu ống lơ ker du dương phía đại ngàn.

Nhà nghiên cứu Tou Prong Dzung, người được ví như từ điển sống về văn hóa Chu ru cho biết mở đầu lễ hội bao giờ cũng là nhịp chiêng và vũ điệu cùng có tên là t’rumpô.

Với sứ mệnh tạo nên mối giao cảm giữa con người với thần linh nên điệu chiêng t’rumpô chặt chẽ trong khúc thức, thẳm sâu, huyền bí trong nhịp điệu để mời các đấng quyền năng vô hình về dự hội. Điệu vũ t’rumpô vì thế cũng rất kỳ ảo.

Ma mị vũ điệu miền Sơn Cước ảnh 1

Nhảy múa mừng chiến thắng xung quanh chiến lợi phẩm. Ảnh: KP

Xem những động tác múa mượt mà, trau chuốt đến từng chi tiết, chuyển động thân thể uyển chuyển, đôi tay mềm mại, gương mặt biểu cảm lạ lùng với đôi mắt nhìn thẳng, ánh mắt vừa cầu cạnh vừa thành kính của các sơn nữ Nai Luyến, Touneh Matina…, bất giác chúng tôi liên tưởng đến dáng điệu phiêu linh của những bức tượng nữ thần chạm khắc trên tường tháp cổ.

Sau múa cúng là những vũ điệu damdra đắm say hoặc vui nhộn. Trong vũ điệu tìm bạn tình, các cô gái tuổi cập kê với ánh nhìn giao cảm, bước nhịp nhàng và lắc nhẹ mông, khi nhón chân và xòe rộng đôi tay trong tư thế như muốn bay lên, lúc duyên dáng nghiêng người, ánh mắt mơ màng trong nhịp chiêng chênh chao tạo thành những tuyến lượn mềm mại.

Đôi tay nhỏ nhắn của các sơn nữ luân phiên xòe ra rồi khép lại tựa cánh chim họa mi xinh xắn chao liệng cùng bạn tình giữa khoảng trời xanh biếc.

“Đa số người dân Tây Nguyên đều có máu nghệ sĩ, có thể hát, múa, đánh cồng chiêng và sử dụng nhiều nhạc cụ khác. Khả năng âm nhạc của họ được phát triển tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng”.

Kế đến là vũ điệu kết đôi. “Không chỉ biểu diễn nghệ thuật mà còn là cơ hội để thể hiện tình cảm nên các đôi nam nữ nhảy múa cuồng nhiệt với chất lửa trong lòng mình.

Tiết tấu của các nhạc cụ vì thế cũng nhanh hơn” - nghệ nhân Ma Bio diễn giải. Các sơn nữ dường như đã chuếnh choáng sau vài vòng giao đãi rượu cần nên má ửng hồng, nụ cười tươi rói, ánh mắt long lanh, động tác múa ngất ngây.

Vào những lúc cao trào của vũ điệu, sơn nữ lắc toàn thân, hoang dại và quyến rũ, ánh mắt tình tứ. Những chàng trai vạm vỡ tràn đầy sức sống, khuôn mặt đỏ bừng vì men rừng, đỏ bừng vì lửa thiêng cũng hào hứng đáp từ với những bước nhảy thăng hoa, cuồng nhiệt.

“Đa số các sơn nữ chọn được chàng trai vừa con mắt từ những cuộc múa đôi thế này để bắt làm chồng và các chàng trai cũng tìm được cô gái ưng cái bụng để chấp thuận theo về ở rể” - già Ma Am thổ lộ.

Ngất ngây với men rượu cần và bị cuốn hút những điệu múa của người Chu ru, chúng tôi lạc vào vòng xoang lúc nào chẳng biết. Nắm lấy bàn tay hôi hổi của các chàng trai, cô gái da nâu, ánh mắt hút hồn, nhún nhảy theo tiếng cồng, tiếng chiêng huyễn hoặc đến tận khuya.

Phấn khích với các vũ điệu múa ná, phóng lao

Các vũ điệu mô phỏng việc săn bắn cũng có sức hút mãnh liệt, khó cưỡng. Nghe hỏi về điệu múa ná, mắt già làng Điểu Mốt (thôn 3, xã Phước Cát 2, Cát Tiên, Lâm Đồng) sáng lên với những hồi tưởng đẹp: Ngày đó các sóc Brum Tong, Bù Khiêu của người Mạ, S’tiêng (huyện Cát Tiên) lọt thỏm trong các thung lũng ba bên bốn bề là rừng - nơi trú ngụ của gấu, hổ, mang, nai, heo rừng, bò tót… nên hầu như người nào cũng biết đi săn, gia đình nào cũng có lao, ná.

Cho chúng tôi xem chiếc ná đẽo bằng gỗ trắc được truyền lại từ đời cha ông, già giảng giải: Ná gồm cánh, cán và tên. Cánh ná có hình cánh cung dài trên dưới 1m, tùy thuộc vào độ tuổi, sở thích, sức khỏe, chiều dài cánh tay của người đi săn; có dây căng ngang để tạo lực đẩy tên. Trên cán khoét lỗ để ráp cánh ná vào và một rãnh nhỏ để đặt mũi tên.

Tên nhỏ bằng đầu chiếc đũa, dài gần nửa mét, được vót từ cây lồ ô, đuôi có cánh bằng lá để giữ cho tên thăng bằng và bay đúng hướng. Mũi tên sắc nhọn được bọc bằng đồng hoặc sắt để tăng độ sát thương.

Khi mặt trời gần xuống núi, chúng tôi theo chàng thợ săn với mái tóc xoăn lãng tử Điểu Grim vào rừng và hồi hộp quan sát anh săn mồi. Đôi chân luân phiên bên co, bên nhón, rón rén luồn lách qua từng nhánh cây khô để tránh phát ra tiếng động. Dẫu thân hình vạm vỡ nhưng Grim bước nhẹ nhàng, uyển chuyển hệt như sự chuyển động của chúa sơn lâm khi rình mồi.

Điệu múa ná mà các chàng trai Tây Nguyên thể hiện trong lễ hội cúng Yàng, tạ ơn thần linh đã cho những mùa săn nhiều chiến lợi phẩm chính là sự mô phỏng từ những động tác, tư thế sinh động của những thợ săn thiện xạ thế này.

Mặt khác nhờ không khí lễ hội linh thiêng, tiếng cồng chiêng huyễn hoặc, tiếng trống trầm hùng, tiếng khèn réo rắt… mà điệu múa trở nên ma mị, cuốn hút hơn.

Đặc biệt là hình ảnh các chiến binh đóng khố nổi rõ cơ bắp cuồn cuộn, mắt sáng rực, tay cầm ná, tay xách đầu mãnh thú kiêu hãnh bước trong ánh đuốc đỏ rực trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của dân làng.

Cùng với năng khiếu bẩm sinh, nhiều sơn nữ lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người, được thụ hưởng sinh khí bản làng nên khi vừa lên tám, lên mười đã có thể gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước theo đúng nhịp trống hòa cùng vũ điệu của trai gái trong làng...

MỚI - NÓNG