Ly kỳ chuyện đòi xét nghiệm ADN cho... trâu

Nguyên đơn và các nhân chứng tại tòa
Nguyên đơn và các nhân chứng tại tòa
Trước đây, chúng ta từng chứng kiến vụ đòi xét nghiệm ADN cho bò tại TP Đà Nẵng, nay người dân Huế lại chứng kiến cảnh tương tự: Đòi xét nghiệm ADN cho trâu để xác định chủ sở hữu. Câu chuyện lạ lùng này khiến cho Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc cũng lắc đầu ngao ngán: "Giá như con trâu biết nói!".  

Tranh chấp kịch liệt...

"Nếu ai có kế sách gì hay, xin mọi người cứ tham mưu cho tòa" - là câu nói được hội đồng xét xử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong suốt phiên tòa hy hữu tranh chấp trâu mẹ và trâu con.

Còn cả nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện đều than "con người mới có đăng ký nhân khẩu, xe mới có đăng ký biển số chứ trâu thì không, nên chỉ có thể chứng minh bằng cảm thức". Cả hai bên đều nhất quyết cho rằng hai con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình.

Ngày 8/5, ông Lê Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Lộc cho biết, cả đời làm thi hành án đến bây giờ mới nhận được một vụ án ly kì, chưa có từng tiền lệ.

Nguyên đơn trong vụ án là ông Bùi Dũng ở thôn 8 xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc, còn bị đơn là ông Huỳnh Hùng ở thôn 6 cùng xã. Cả hai tranh nhau một con trâu mẹ kèm một con nghé. Cũng như nhiều người dân ở trong vùng, ông Dũng và ông Hùng đều nuôi thả trâu tự do trên rừng, chỉ những khi vào vụ mùa cày cấy hoặc bán mới "ví" trâu (dẫn trâu) về nhà.

Theo đơn kiện của ông Bùi Dũng, vào tháng 12/2012, vợ chồng ông Dũng mua của ông Nguyễn Thuận một con trâu mẹ đang có chửa 4 tháng với giá 20 triệu đồng.

Sau khi mua xong, ông Dũng đưa trâu về nhà nuôi 15 ngày. Lúc này, ông Thuận thả bầy trâu vào rừng nên ông Dũng cũng đưa trâu vào thả cùng bầy trâu của ông Thuận trong rừng.

Trong thời gian này, ông Dũng đã vào thăm trâu ba lần nhưng đến lần thứ ba là ngày 5/5/2013 thì phát hiện bị mất trâu. Ông Dũng thuê ông Tôn Thất Thân đi tìm Trâu thì phát hiện con trâu của mình đang ở trong bầy của ông Huỳnh Hùng.

Ông Dũng đến nói chuyện với ông Hùng để xin lại trâu nhưng ông Hùng không chịu trả và nhất quyết nói con trâu đó là trâu của ông Hùng.

Lúc này ông Dũng phát hiện thấy con trâu của ông đang do ông Hùng giữ đã bị ông Hùng làm dấu sau mông và phát hiện con trâu đã đẻ con trâu con. Sau khi xảy ra sự việc ông Dũng đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng ông Hùng vẫn nhất quyết không trả lại trâu.

Về phía ông Huỳnh Hùng lại cho biết, gia đình ông mấy đời đã làm nghề nuôi trâu. Bản thân ông cũng có thâm niên nuôi trâu trên 20 năm.

Theo ông Hùng, con trâu mẹ đang có tranh chấp là trâu thuộc đàn trâu của gia đình ông do con trâu mẹ đầu đàn gọi là "Trâu Sứt" sinh ra, con trâu đang tranh chấp là con kế út của con "Trâu Sứt". Hiện con Trâu Sứt già yếu nên đã bán để họ mổ thịt. Con trâu mẹ đang có tranh chấp đã được 5 năm tuổi và đầu tháng 4/2013 thì con trâu này đẻ con nghé.

Ngoài ra con trâu này ông Hùng có làm dấu tròn sau mông bằng cách lấy một thanh sắt 6, bẻ vòng tròn hơ vào lửa, khi sắt nóng thì lấy và đè lên mông phải của con trâu.

Việc làm dấu đối với con trâu này là vào 3/2013. Ông Hùng khẳng định rằng con trâu mẹ và con nghé đang tranh chấp là thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông.

Tại phiên tòa, khi được hỏi đặc điểm nhận dạng của trâu mẹ, cả ông Dũng và ông Hùng đều nói chính xác đặc điểm cũng như đặc tính của con trâu đang tranh chấp.

Tuy nhiên, trong khi phía bị đơn là ông Huỳnh Hùng không có bất kỳ người nào đứng ra làm chứng để chứng minh con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Hùng, thì phía nguyên đơn, ông Dũng có đến 8 người đứng ra làm chứng xác nhận.

Giá như con trâu cũng biết nói…!

Những người làm chứng tại phiên tòa đều là những người có thâm niên nuôi trâu, tất cả những người này đều cho biết chỉ cần nhìn vào "mặt" trâu là biết được con trâu đó thuộc quyền sở hữu của ai.

Lý do có nhiều người biết "mặt" trâu của ông Dũng vì vợ chồng ông Dũng dành dụm lâu nay mới mua được một con trâu trị giá hai chục triệu. Nhiều người trong làng mừng cho gia đình ông Dũng nên đã đến nhà ông Dũng để xem trâu.

Thế nên khi có tranh chấp xảy ra, nhiều người đều đứng ra làm chứng đã từng nhìn thấy trâu ông Dũng và thừa nhận con trâu ông Dũng vừa mất giống hệt con trâu trong chuồng nhà ông Hùng.

Ông Tôn Thất Thân, một người làm chứng trong vụ án cho biết mình là người chuyên giám định trâu giúp mọi người ở trong làng. Ông đã hơn 20 lần giám định trâu và lần nào cũng chính xác.

Theo ông, trâu cũng như người, nhìn một lần là nhớ mặt. Để "nhớ mặt" con trâu, chỉ cần nhìn tập tính, dáng đi, sừng, xoáy, mắt… của trâu là biết được.

Khi ông Dũng mua trâu, có nhờ ông dẫn trâu về nhà giúp vì thế ông Thân khẳng định mình nhớ rất rõ hình dáng con trâu ông Dũng mua. Ông Thân khẳng định con trâu đang tranh chấp là trâu của ông Dũng.

Còn ông Lê Minh Luyện cho biết, khi ông Dũng mua trâu và dẫn về nhà, ông có đến xem trâu và thấy con trâu có khoang nạn ở cổ nhưng không dám nói, sợ ông Dũng buồn.

Theo ông những người nuôi trâu có kinh nghiệm họ sẽ không mua những con trâu này, vì nó không được đẹp. Do có ấn tượng "xấu" với hình dáng của con trâu ông Dũng, nên ông Luyện cho biết mình nhớ rất rõ "mặt" con trâu này.

Ông Hùng cho biết trước đây vẫn thả rong trâu trong rừng, nhưng đến tháng 12/2013 ông bắt đầu "ví" trâu về nhà nuôi giữ vì thấy thả rông không sinh lợi mà còn hao hụt nhiều. Cũng từ lúc này, ông bắt đầu làm dấu trên thân trâu.

Chủ tọa phiên tòa cho biết, dân gian thường có câu nói "người ở lâu ghét nhau, trâu ở lâu thương nhau", tại sao con trâu đang tranh chấp ở trong đàn trâu của ông Hùng đã 5 năm vẫn bị con khác "quặc" (đánh, húc) đến nỗi thương tích đầy mình. Ông Hùng nói có nhiều con ở lâu nhưng vẫn ghét nhau.

"Còn khúc xương khô tui cũng đi xét nghiệm ADN cho trâu!"

Tại phiên tòa, mọi người đều xác nhận đàn trâu của ông Hùng có tính dữ, trong khi đàn trâu của ông Thuận (chủ trước của con trâu đang tranh chấp) lại có tính hiền. Khi tòa đặt câu hỏi "thế con trâu dữ có sinh ra được con trâu hiền không?" thì mọi người ngắc ngứ, không ai trả lời được.

Khi tòa hỏi có ai có cách nhận dạng khác dựa trên cơ sở khoa học, chứ không phải dựa vào cảm tính thì lên tiếng giúp tòa. Khán phòng lại im phăng phắc. Chủ tọa cũng lắc đầu than "giá con trâu biết nói thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn".

Ly kỳ chuyện đòi xét nghiệm ADN cho... trâu ảnh 1

 Bị đơn và các nhân chứng tại tòa

HĐXX cho phát clip ghi lại hình ảnh công an và Tòa án tiến hành thả hai đàn trâu của ông Hùng và ông Thuận ra khu vực Ngã Ba Trại (là nơi chăn giữ trâu trước đó) để xem con trâu đang tranh chấp nhập đàn nào.

Tuy nhiên khi cả hai đàn trâu xuống suối và tách về hai phía, con trâu mẹ và trâu nghé đang tranh chấp lại đứng riêng rẽ về một phía và không nhập đàn nào.

HĐXX lại yêu cầu những người làm chứng, nguyên đơn, bị đơn xem clip và xác định con trâu đang tranh chấp trên màn hình, tuy nhiên không ai xác định được con trâu đang tranh chấp "giữa muôn trùng" trâu.

Sau khi xem xét, HĐXX đã dựa vào những điểm khác biệt để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cụ thể là:

Thứ nhất: trong 8 người làm chứng tại tòa, có 7 người xác nhận con trâu đang tranh chấp là trâu ông Dũng, còn một người không khẳng định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ai.

Thứ hai: Xuyên xuốt quá trình từ khi diễn ra tranh chấp cho đến hôm xét xử, lời khai của ông Bùi Dũng luôn thống nhất, trong khi đó lời khai của ông Huỳnh Hùng có nhiều mâu thuẫn và có nhiều hành vi cản trở trong việc thu thập chứng cứ.

Thứ ba: Khi thẩm phán thực hiện hai phương pháp thẩm định tại chỗ đã cho kết quả như sau: Con trâu đang tranh chấp nhốt trong chuồng trâu nhà ông Hùng có hiện tượng đứng riêng lẻ. Khi lùa con trâu này vào giữa đàn trâu thì con trâu này tự tách ra đứng riêng. Phương pháp thứ hai là xem xét con trâu đang tranh chấp có nhập đàn với đàn trâu của ông Nguyễn Thuận (bầy đàn của con trâu đang tranh chấp) hay không. Khi cho con trâu này cùng hai con trâu trong đàn của ông Hùng đến UBND xã Lộc Hòa ăn chung với con trâu của ông Thuận (theo ông Thuận khai là con trâu chị em với con trâu đang có tranh chấp). Kết quả cho thấy, con trâu của ông Hùng (con trâu không có tranh chấp) khi gặp con trâu của ông Thuận, sau khi "giao đầu, chạm mõ" thì con trâu của ông Thuận húc (quặc) con trâu của ông Hùng, con trâu của ông Hùng bỏ chạy. Con trâu đang có tranh chấp khi gặp con trâu của ông Thuận thì "giao đầu chạm mõ" xong thì thể hiện thân thiện, không húc (quặc) gì nhau.

Toà án Nhân dân huyện Phú Lộc cũng đã có quyết định trưng cầu Trạm thú y huyện Phú Lộc giám định 3 nội dung: Giám định độ tuổi của trâu mẹ và nghé, xem xét các đặc điểm và đặc tính của con trâu mẹ; Xác định đặc điểm của con trâu có tranh chấp có cùng đặc điểm và đặc tính của con trâu đang có tranh chấp có giống với các con trâu chị em theo nguyên đơn và bị đơn khai hay không?; Xác định con trâu đang tranh chấp có cùng chung bầy với đàn trâu của ông Hùng hay ông Thuận.

Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ kết luận về độ tuổi, đặc điểm, đặc tính của con trâu và kết luận con trâu đang có tranh chấp có nhiều khả năng trước đây không thuộc bầy đàn với đàn trâu của ông Huỳnh Hùng. Riêng nội dung giám định xác định con trâu đang tranh chấp có thuộc bầy đàn của ông Thuận hay không không thực hiện được vì bị đơn cản trở quyết liệt.

Từ những chứng cứ phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử đã tuyên hai con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Bùi Dũng. Về chi phí định giá tài sản là 1.500.000 đồng và chi phí giám định là 2.500.000 đồng do ông Huỳnh Hùng chi trả.

Phiên tòa kết thúc, bị đơn là ông Huỳnh Hùng hỏi các thủ tục để tiến hành kháng án. "Cho dù còn khúc xương khô tui cũng đem đi giám định ADN cho con trâu để lấy lại danh dự lúc tuổi già", ông Hùng cương quyết.

Ông Trương Công Thi, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc, cũng là Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp trâu cho biết, đây là một vụ án rất đặc thù, có thể nói là tương đối khó. Khó ở đây chính là đối tượng tranh chấp là súc vật do người dân nuôi thả trong rừng nên rất khó để xác định chủ sở hữu. Hầu hết các căn cứ để xác định chủ quyền đều dựa vào cảm tính và các phương pháp dân gian chứ không có cơ sở khoa học để chứng minh.

Ông Thi cũng cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện, người dân nuôi trâu chủ yếu bằng cách thả rong trong rừng. Điều này không những dễ gây mất mát về tài sản của người dân mà còn vi phạm pháp luật vì những cánh rừng mà người dân đang chăn thả trâu đều là rừng cấm thuộc khu vực quản lý của Vườn quốc gia Bạch Mã.

Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc giám định AND trên súc vật cũng cho biết được quan hệ huyết thống. Tuy nhiên do không phổ biến như giám định AND trên con người nên chi phí giám định AND trên gia súc hiện nay có giá rất cao, có khi cao hơn cả giá trị của con trâu được giám định. Hiện tại, ở Thừa Thiên - Huế cũng như các địa phương khác chưa có khả năng thực hiện việc giám định AND trên gia súc, vì vậy muốn thực hiện phải gửi mẫu giám định ra Viện Khoa học ở Trung ương.

  Theo Đông Phương
Theo Petrotimes
MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.